Thông báo của Bộ Di trú Hy Lạp đưa ra ngày 10/9 cho biết một chuyến phà đã được huy động để cung cấp chỗ ở tạm thời cho hàng nghìn người. Hai tàu Hải quân của nước này cũng sẽ được điều động để cung cấp thêm các giường ngủ cho người tị nạn.
Vụ hỏa hoạn đầu tiên xảy ra vào cuối ngày 8/9 trong trại Moria, trại tị nạn lớn và nổi tiếng nhất Hy Lạp, khiến hàng nghìn người phải sơ tán lên các khu rừng ô liu gần đó. Tuy không có ai bị thương nặng, ước tính sơ bộ cho thấy đám cháy đã thiêu rụi phần chính của trại, nơi ở của khoảng 4.000 người. Khoảng 8.000 người tị nạn khác sống trong các túp lều, lán dựng sơ sài ở vòng ngoài. Tuy nhiên, hầu hết phần còn lại của trại đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn thứ 2 bùng phát vào cuối ngày 9/9.
Hiện cảnh sát Hy Lạp đang điều tra nguyên nhân gây hỏa hoạn, với những giả thuyết ban đầu là người tị nạn phóng hỏa để phản đối các biện pháp phong tỏa trại này sau khi có 35 người trong trại có kết quả dương tính với virus SARS CoV-2. Giới chức đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 tháng trên đảo Lesbos và điều động bổ sung cảnh sát chống bạo động tới khu vực này.
Các nước châu Âu, từ Đức đến Na Uy, cùng với các lãnh đạo châu Âu, đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cải cách khẩn cấp hệ thống tị nạn.
Kể từ khi trở thành một trong những cửa ngõ chính vào châu Âu cho những người di cư từ năm 2015, Hy Lạp đã xây dựng hàng chục trung tâm tạm trú cho người di cư và tị nạn trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, việc các quốc gia châu Âu tới nay mới chỉ chấp nhận một số lượng rất nhỏ người tị nạn đã khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt vô thời hạn trong các trại tị nạn ở Hy Lạp. Chính quyền Athens thời gian qua cũng đã siết chặt các giới hạn tị nạn, đồng thời cắt giảm trợ cấp và nơi ở nhằm làm nản lòng những người muốn di cư qua nước này.