Trong cuộc gặp ngày 23/8 với Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Thủ tướng Mitsotakis nêu rõ trước đây, Hy Lạp đã nỗ lực ngăn dòng người di cư và hiện cũng sẽ thực thi chính sách này. Theo ông, điều quan trọng là EU cần hỗ trợ các nước gần Afghanistan nhằm đảm bảo sẽ không có thêm làn sóng người di cư nào tràn vào châu Âu.
Về phần mình, bà Matsola nhấn mạnh châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Hy Lạp và với các quốc gia thành viên đang ở tuyến đầu. Bà cho rằng cần ưu tiên việc phê chuẩn Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU nhằm thu hẹp các quan điểm khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Yannis Oikonomou khẳng định Athens sẽ “không xem nhẹ nguy cơ gia tăng người di cư và tị nạn”.
Hiện Hy Lạp đang củng cố biên giới trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, với việc mở rộng hàng rào ở Evros, dài 40 km, đang ở trong giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, nước này cũng đang triển khai các thiết bị bay không người lái và radar mới, cũng như sẽ triển khai thêm lực lượng bảo vệ biên giới.
Trước đó, ngày 20/8, Thủ tướng Mitsotakis cũng đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về khả năng hình thành làn sóng người di cư từ Afghanistan. Theo ông, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng hưởng lợi khi hạn chế được dòng người tị nạn và di cư “ở càng gần Afghanistan càng tốt". Do đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề cần phải hỗ trợ ngay lập tức các nước láng giềng của Afghanistan.
Hy Lạp hiện đang tiếp nhận 40.000 người Afghanistan tị nạn và xin tị nạn. Hy Lạp cũng là một trong những nước hứng chịu cuộc khủng hoảng người di cư vào năm 2015, khi có tới hơn 1 triệu người vượt Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này để vào EU.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin ngày 23/8, Tehran thông báo đã nối lại hoạt động xuất khẩu nhiên liệu sang Afghanistan.
Người phát ngôn của Liên minh Các nhà xuất khẩu sản phẩm hóa dầu, dầu mỏ và khí đốt Iran, ông Hamid Hosseini, cho biết hoạt động xuất khẩu nhiện liệu của Iran sang Afghanistan đã được nối lại sau một thời gian bị đình hoãn. Ông Hosseini cho biết nguyên nhân dẫn tới đình hoãn là do một số doanh nhân Iran đã tỏ ra thận trọng do lo ngại về tình hình an ninh ở Afghanistan.
Trong khi đó, ông Hassan Rahimizadeh, Tổng giám đốc Cơ quan Hải quan tỉnh Nam Khorasan của Iran, cho hay khu vực biên giới giữa tỉnh này với Afghanistan hiện tuyệt đối an toàn.