Theo đó, Hy Lạp sẽ triển khai tiêm vaccine J&J từ ngày 5/5 tới. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết nước này đặt mục tiêu có 2,5 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 5 và đến tháng 6 tăng lên 4 triệu người. Để đẩy nhanh tiến độ, các điểm tiêm chủng ở Hy Lạp sẽ mở cửa cả vào cuối tuần và ở cả các bệnh viện tư. Bên cạnh đó, từ ngày 27/4, Chính phủ Hy Lạp sẽ cho phép tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho người từ 30-39 tuổi.
Tại Iceland, vaccine ngừa COVID-19 của J&J đã được phê duyệt và sẽ được sử dụng từ tuần tới, không giới hạn độ tuổi. Trước đó, lô hàng gồm hơn 2.400 liều vaccine J&J đã đến Iceland ngày 14/4 vừa qua nhưng được lưu kho để chờ kết luận của EMA về tính an toàn của loại vaccine này.
Các quyết định của Hy Lạp và Iceland được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban an toàn của EMA Sabine Straus ngày 20/4 cho biết, căn cứ kết quả đánh giá cẩn trọng nhiều trường hợp cùng bằng chứng sẵn có, EMA xác định hiện tượng huyết khối xuất hiện sau khi tiêm vaccine của J&J là tác dụng phụ "rất hiếm gặp", do đó EMA quyết định không hạn chế sử dụng loại vaccine này trong thời điểm hiện nay.
Vaccine ngừa COVID-19 của J&J là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thường, theo đó giúp các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận tiêm phòng dễ dàng hơn.
Liên quan vấn đề vaccine, các nguồn thạo tin dẫn dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã xuất khẩu lượng vaccine ngừa COVID-19 nhiều hơn khoảng 37 triệu liều so với số vaccine phân bổ cho 27 quốc gia thành viên.
EU mua phần lớn số vaccine sản xuất trong khối, và theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, gần 133 triệu liều đã được phân phối đến các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với 136 triệu liều mà EU xuất khẩu tới 43 nước trên thế giới kể từ ngày 30/1 vừa qua. Trong số các quốc gia nhập khẩu vaccine của EU, Nhật Bản đứng đầu với 52,3 triệu liều, tiếp đến là Anh - cựu thành viên của EU, với 16,2 triệu liều. Ngoài ra, các nước nhập khẩu vaccine của EU nhiều nhất còn bao gồm Canada, Mexico, Saudi Arabia, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Colombia. Dữ liệu này được Ủy ban châu Âu (EC) công bố tại cuộc họp ngày 20/4 với bộ trưởng các quốc gia thành viên EU.
Chính phủ các nước EU đang đứng trước sức ép phải tăng tốc các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 bị đánh giá là chậm hơn so với ở Anh và Mỹ do gián đoạn nguồn cung và những lo ngại về vấn đề an toàn. Ngày 20/4, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cho biết vào giữa tháng 7 tới, các nước EU sẽ có đủ vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số trưởng thành của mình. Theo ông, 53 cơ sở sản xuất vaccine tại các nước thành viên đang hoạt động hết công suất. Sau Mỹ, châu Âu sẽ là nhà sản xuất vaccine lớn thứ hai thế giới. Các chuyên gia y tế nhận định 70% dân số trưởng thành ở các nước EU được tiêm phòng có thể tạo ra "miễn dịch cộng đồng".