Hy Lạp ra khỏi khủng hoảng nợ kéo dài

Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 22/6 vừa qua loan báo cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã chấm dứt khi nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro.

Hy Lạp dự kiến sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới. Chính phủ Hy Lạp tuyên bố nước này "đang bước sang một trang mới" và người phát ngôn Dimitris Tzanakopoulos của chính phủ nước này khẳng định "người dân Hy Lạp có thể mỉm cười và hít thở trở lại khi vấn đề nợ của quốc gia đã được giải quyết".

Tín hiệu lạc quan

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (phải) và các Bộ trưởng Tài chính Eurozone trong cuộc họp ở Luxembourg ngày 21/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo các chuyên gia quốc tế, thỏa thuận trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến nhiều người choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến ba gói cứu trợ và từng đẩy Eurozone đến bên bờ vực sụp đổ.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos nhận định: “Chính phủ Hy Lạp vui mừng với thỏa thuận trên song đất nước cần phải đảm bảo rằng người dân sẽ nhanh chóng thấy được kết quả thực tế, cũng như sự thay đổi về thu nhập của họ”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đánh giá cao thỏa thuận “rất tích cực” kể trên và cho rằng điều này cho thấy “châu Âu đang tiến lên”, bất chấp những khó khăn gần đây.

Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh thỏa thuận nhưng cảnh báo Hy Lạp vẫn cần chú trọng tới vấn đề nợ vay trong dài hạn. Theo thỏa thuận, các bộ trưởng tài chính Eurozone chấp nhận gia hạn thêm 10 năm cho phần lớn trong tổng khoản nợ bắt buộc của Hy Lạp đã vọt lên tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các chủ nợ khu vực Eurozone cũng đã đồng ý giải ngân 15 tỷ euro (17,5 tỷ USD) để hỗ trợ Hy Lạp rời khỏi chương trình cứu trợ một cách thuận lợi hơn. Điều này cũng giúp Hy Lạp có một vùng “đệm an toàn” trị giá 24 tỷ euro.

Hy Lạp đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và "thắt lưng buộc bụng" bị người dân phản đối để đổi lấy ba gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 273 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF. Song những cải cách nghiêm ngặt này đã trở thành một “tảng đá” đè nặng lên Hy Lạp khi nền kinh tế nước này suy giảm mạnh, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Tuy vậy, sau một thời gian thực hiện cải cách, nền kinh tế Hy Lạp đã dần ổn định và dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn trong năm 2018. Mới đây, Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) cho biết GDP quý I/2018 của nước này tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu đã điều chỉnh, xuất khẩu của Hy Lạp quý I vừa qua tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ giảm 2,8%.

ELSTAT cho biết thêm số vốn đầu tư quý I/2018 của Hy Lạp giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm 0,3%.

Hy Lạp mới lấy lại đà tăng trưởng kinh tế hồi năm 2017, với mức tăng trưởng 1,4% và IMF dự báo kinh tế nước này ước tăng trưởng 2% trong năm 2018. Trước sự cải thiện về tình hình tài khóa, chính trị ổn định và kinh tế vững dần, các hãng xếp hạng tín dụng trong năm nay đã nâng bậc xếp hạng nợ của Hy Lạp.

Fitch quyết định nâng xếp hạng nợ của Chính phủ Hy Lạp lên một bậc, từ "B-" lên “B” với triển vọng tích cực, nhờ những yếu tố tích cực của nước này như thặng dư ngân sách, tình hình chính trị ổn định hơn và nền kinh tế trong xu hướng tăng trưởng.

Thách thức vẫn còn

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá cao thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Eurozone về việc sẽ kết thúc chương trình cứu trợ tài chính dành cho nước này trong tám năm qua như một bước đi mang tính “lịch sử”, và cam kết “Hy Lạp sẽ từng bước thay thế các biện pháp thắt lưng buộc bụng”. Nhưng ông lưu ý rằng người dân Hy Lạp mới chỉ “giành chiến thắng trong một trận chiến chứ không phải cả cuộc chiến”.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn ở mức cao 20,8% vào tháng 12/2017, thời điểm gần nhất có số liệu thống kê của nước này. Trong giai đoạn khủng hoảng, hàng nghìn doanh nghiệp tại Hy Lạp đã đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27,9%, trong đó cứ 10 thanh niên đang tìm việc làm thì có sáu người không thành công. Bên cạnh đó, số liệu của Ngân hàng trung ương Hy Lạp cũng cho thấy có khoảng 223.000 người Hy Lạp ở độ tuổi 25-39 đã di cư sang các nước giàu hơn trong thời gian từ năm 2008 đến 2013.

Sau khi chương trình cứu trợ kết thúc, Hy Lạp sẽ vẫn chịu sự giám sát của các chủ nợ và phải tuân theo các điều khoản nghiêm ngặt hơn hẳn so với các nước khác cũng đã được cứu trợ như Bồ Đào Nha, Ireland và Cyprus (CH Síp). Người đứng đầu Cơ chế giám sát chung (SSM) của ECB, bà Daniele Nouy trước đó cho rằng những nỗ lực của các ngân hàng Hy Lạp đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng nợ không thanh toán được (NPL) vẫn là một vấn đề gai góc đối với Athens.

Bà Nouy cho hay các ngân hàng Hy Lạp đã dần đạt được tiến bộ trong việc giảm NPL, nhưng giải quyết nợ xấu theo cách bền vững là một nhiệm vụ phải tiếp tục thực thi, và các ngân hàng ở Hy Lạp cần phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn nữa.

ECB đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề nợ xấu với Hy Lạp, khi các ngân hàng của nước này đang "ôm" các khoản NPL rất lớn. Bà Nouy nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng Hy Lạp hiện nay là hạn chế các khoản NPL mới bằng cách cải thiện các tiêu chí bảo lãnh tín dụng và "dọn dẹp" bảng cân đối tài sản.

Các chủ nợ quốc tế đã thông qua ba gói cứu trợ cho Hy Lạp lần lượt vào các năm 2010, 2012, 2015 với giá trị lên tới 260 tỷ euro (khoảng 306 tỷ USD) tổng cộng. Đổi lại, Athens đã buộc phải tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong các lĩnh vực như năng lượng, hưu trí và lao động. Kể từ đó đến nay, gần 50 cuộc tổng đình công đã nổ ra trên khắp Hy Lạp nhằm phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ nước này.
 
Anh Quân (tổng hợp)
Hy Lạp đánh giá cao thỏa thuận 'lịch sử' kết thúc chương trình cứu trợ
Hy Lạp đánh giá cao thỏa thuận 'lịch sử' kết thúc chương trình cứu trợ

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 22/6 đánh giá cao thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về việc sẽ kết thúc chương trình cứu trợ tài chính dành cho nước này tám năm qua như một bước đi mang tính “lịch sử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN