Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) ngày 19/8 đã thông qua gói cứu trợ quốc tế thứ 3 dành cho Hy Lạp trị giá 86 tỷ euro (95 tỷ USD), qua đó "mở khóa" khoản giải ngân đầu tiên trị giá 13 tỷ euro cho Athens chỉ một ngày trước khi quốc gia Nam Âu này phải thanh toán khoản nợ đáo hạn 3,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (trái) và Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tại phiên họp của Eurogroup. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Với tư cách là một trong "bộ tứ" chủ nợ của Hy Lạp, ESM khẳng định sau hội nghị trực tuyến của Ban giám đốc, ESM đã quyết định về chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp. Cụ thể, ban giám đốc bao gồm các Bộ trưởng tài chính của 19 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã phê chuẩn đề xuất về một thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp lên tới 86 tỷ euro trong vòng 3 năm.
Ngoài ra, Ban giám đốc của ESM cũng thông qua Bản ghi nhớ với Hy Lạp, nêu cụ thể các biện pháp mà Chính phủ Hy Lạp đã nhất trí thực hiện để giải quyết những thách thức chủ yếu mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.
Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng thỏa thuận cứu trợ mới này sẽ đem lại triển vọng thuận lợi cho nền kinh tế Hy Lạp và là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững tại quốc gia này.
Cũng trong ngày 19/8, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đề nghị Nghị viện châu Âu (EP) gia nhập nhóm các chủ nợ của nước này nhằm giám sát thỏa thuận cứu trợ vừa được thông qua.
Trong thư gửi Chủ tịch EP Martin Schulz, ông Tsipras nhấn mạnh Hy Lạp đề nghị EP tham gia trực tiếp và đầy đủ như một bên thứ 5 trong nhóm "bộ tứ" các chủ nợ, để giám sát và đánh giá tiến trình thực thi thỏa thuận vay nợ này. Nhóm "bộ tứ" chủ nợ của Athens bao gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).