Giám đốc điều hành Cơ chế bình ổn châu Âu Klaus Regling (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Eucleidis Tsakalotos (phải) tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bình luận lạc quan của ông Regling được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hội kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin để bàn về vấn đề nợ Hy Lạp gây chia rẽ giữa hai bên.
Nói về bất đồng giữa các bên liên quan đến vấn đề này, Giám đốc điều hành ESM cho rằng các bên đúng là có những đánh giá khác nhau, chẳng hạn như về mức độ bền vững của nợ Hy Lạp, song không có bất đồng nào về những việc mà Hy Lạp phải làm trong 18 tháng tới.
Hy Lạp đã nhận được gói cứu trợ tài chính thứ ba trị giá 86 tỷ euro vào năm 2015, song gói cứu trợ này được giải ngân thành nhiều đợt kèm theo những điều kiện cải cách mà quốc gia châu Âu này phải thực thi. Tuy nhiên, vòng đàm phán cuối cùng của chương trình cứu trợ trên rơi vào bế tắc đã làm dấy lên những lo ngại rằng Hy Lạp có thể sẽ phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).
Trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc với các chủ nợ của mình là IMF và Liên minh châu Âu (EU), Athens ngày 20/2 đã đồng ý thảo luận các biện pháp cải cách mới. Hy Lạp đang rất cần được giải ngân khoản cứu trợ mới để trả khoản nợ 7 tỷ euro (7,4 tỷ USD) đáo hạn vào tháng Bảy, hoặc nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
IMF từng cảnh báo sẽ ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp khi cho rằng khoản nợ của Athens quá lớn. Thể chế này đưa ra điều kiện yêu cầu các nước Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Tuy nhiên, điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.