Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã thông báo Đại sứ Nga về quyết định trên. Một quan chức ngoại giao Hy Lạp cho rằng các nhà ngoại giao Nga đã không hành xử theo đúng luật quốc tế. Trước động thái trên, hãng thông tấn RIA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Moskva sẽ có phản ứng phù hợp.
Trước đó, nhiều nước châu Âu như Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Đan Mạch đều đã thông báo các bước đi tương tự nhằm phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Latvia và Estonia đã đóng cửa lãnh sự quán Nga.
Cùng ngày, Hungary đã triệu Đại sứ Ukraine về những phát biểu tiêu cực của Kiev liên quan lập trường của Budapest đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine.
Trong tuyên bố đăng trên trang Facebook cá nhân, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto khẳng định đã đến lúc các nhà lãnh đạo Ukraine cần chấm dứt các phát biểu tiêu cực về Hungary và thừa nhận mong muốn của nhân dân Hungary.
Ông nhấn mạnh Chính phủ Hungary từ chối gây tổn hại đến hòa bình và an ninh của nhân dân nước này và đây là lý do vì sao Budapest không cung cấp vũ khí và không ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga. Ông khẳng định để hỗ trợ Ukraine, phía Hungary đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn từ Ukraine và chuyển gói hỗ trợ nhân đạo "lớn nhất từ trước đến nay" tới Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ukraine đã nhiều lần phản đối Thủ tướng Hungary Viktor Orban về quan điểm trung lập của Budapest trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong một diễn biến khác, tối 5/4, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Ukraine thông báo đã chuyển trụ sở về thủ đô Kiev, sau khi phải sơ tán các nhân viên do quan ngại an ninh vào tháng trước.
Trong thông báo trên mạng Twitter, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ trước đó đã tạm chuyển các hoạt động tới thành phố Chernivtsi gần biên giới Romania, khu vực đóng vai trò là trung tâm hậu cần của cơ quan này. Giờ đây, Đại sứ quán đã trở về trụ sở chính tại thủ đô Kiev.