Ai Cập và Hy Lạp hôm 9/10 cho biết thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò khí đốt ở vùng biển Địa Trung Hải của Libya là "bất hợp pháp", trong khi Athens lưu ý họ sẽ phản đối bằng mọi "biện pháp hợp pháp".
“Thỏa thuận này đe dọa sự ổn định và an ninh ở Địa Trung Hải”, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias cho biết tại Cairo, nơi ông có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ đã ký một biên bản ghi nhớ về việc thăm dò khí đốt ở các vùng biển của Libya với các nhà chức trách ở Tripoli.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của Libya Naila Magnus cho biết đây là sự hợp tác theo một thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ký năm 2019 với Tripoli nhằm phân định biên giới hàng hải chung của hai nước.
Hy Lạp, Ai Cập và Síp cho rằng thỏa thuận trên vi phạm quyền kinh tế của họ trong một khu vực bị nghi ngờ có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn.
“Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Dendias nói thêm. Theo ông Dendias, Tripoli “không có chủ quyền cần thiết đối với khu vực này” và do đó, thỏa thuận là “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry tuyên bố “nhiệm vụ của chính quyền tại Tripoli đã ‘hết hạn’ và chính phủ ở Tripoli không có đủ tính hợp pháp để ký các thỏa thuận”.
Tranh cãi về quyền đối với nguồn tài nguyên hydrocacbon khổng lồ của Libya đã và đang trở nên cấp thiết hơn trong năm nay khi giá năng lượng toàn cầu tăng vọt.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bác bỏ thỏa thuận biên giới trên biển năm 2019 của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Pháp nói rằng thỏa thuận gần đây của Ankara là "không phù hợp với luật pháp quốc tế".