Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) và Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev trong lễ ký kết đổi tên Madedonia. Ảnh: AFP |
Lễ ký được tiến hành tại khu vực vùng Hồ Prespes ở biên giới Hy Lạp – Macedonia trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước và một số quan chức Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU).
Theo thỏa thuận trên, Macedonia (lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM) sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được Quốc hội Macedonia phê chuẩn và tiếp đó phải được đưa ra trưng cầu ý dân ở Macedonia vào tháng 9 tới. Về phía Hy Lạp, thỏa thuận cũng phải được quốc hội nước này thông qua.
Hiện thỏa thuận đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước do bên nào cũng đều cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã và đang diễn ra ở cả Hy Lạp và Macedonia trong những ngày qua và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngày 16/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, được tiến hành theo yêu cầu của phe đối lập nhằm phản đối thỏa thuận lịch sử với Macedonia liên quan đến việc đổi tên gọi của nước láng giềng. Trước đó, ngày 13/6, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov tuyên bố sẽ không ký thông qua thỏa thuận này.
Việc thỏa thuận lịch sử nêu trên được ký kết dự kiến sẽ mở đường hướng tới chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm qua giữa hai nước liên quan đến tên gọi chính thức của Macedonia. Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập LHQ với tên gọi là FYROM. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan tên gọi Macedonia trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala. Athens coi vùng đất này là di sản văn hóa tôn nghiêm. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề tranh cãi này.
Khi Macedonia gia nhập LHQ với tên chính thức là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia, Hội đồng Bảo an LHQ đã thừa nhận rằng đây chỉ là tên tạm thời.