Hy vọng giải quyết nợ công châu Âu giúp giá dầu mỏ thế giới tiếp tục đi lên

Các thị trường dầu mỏ thế giới đã đi lên vững chắc trong tuần qua, cùng chiều với xu hướng đi lên của các thị trường tài chính và hàng hóa khác, nhờ tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư trước hy vọng về một bước đột phá mới sẽ được tạo ra trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone.

Thị trường dầu mỏ thế giới đã đi lên ngay trong phiên đầu tuần 10/10 sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkell và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đạt được đồng thuận về việc trong vài tuần tới sẽ tăng cường các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone. Cũng vào đầu tuần,
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã kêu gọi các ngân hàng châu Âu cần "khẩn cấp" tái vốn hóa do lo ngại những ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên khu vực Eurozone tới hệ thống ngân hàng toàn châu Âu.

Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều đi xuống vào phiên 12/10, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng giá liên tiếp trước đó, do các nhà đầu tư lo ngại trước dự báo về về nhu cầu dầu sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Trong hai ngày 11và 12/10, cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều công bố các điều chỉnh giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu so với các dự báo được họ đưa ra trước đó. Cụ thể, theo IEA, nhu cầu dầu trong năm 2012 dự kiến giảm xuống còn 90,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức dự báo trước là 210.000 thùng. Còn theo OPEC, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến cũng giảm trong năm nay và năm tới.

Giá dầu tiếp tục bị phân hóa không đồng nhất trong phiên ngày 13/10 khi các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu giảm mạnh tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, sau khi số liệu chính thức cho biết thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã bị thu hẹp tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9, giảm xuống chỉ còn 14,51 tỷ USD, do xuất khẩu giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 cũng giảm tới 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và đứng ở mức dưới 5 triệu thùng/ngày trong tháng thứ tư liên tiếp.

Sang đến phiên cuối tuần ngày 14/10, giá dầu đã "bùng nổ" trở lại và đóng cửa phiên 14/10 trên thị trường Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11/2011 tăng lên 86,51 USD/thùng so với 82,82 USD/thùng của cuối tuần trước nữa, trong khi tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng lên 114,18 USD/thùng so với 105,86 USD/thùng của cuối tuần trước nữa. Thậm chí trong phiên này, giá dầu hợp đồng này đã có lúc tăng vọt lên 114,78 USD/thùng - mức cao nhất trong 3 tuần qua.

Theo giới phân tích, mức tăng ngoạn mục của giá dầu trong phiên cuối tuần là nhờ kỳ vọng của giới đầu tư về một triển vọng sáng sủa hơn cho nền kinh tế châu Âu sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng nhóm nước G20 tại Pari (Pháp) trong hai ngày cuối tuần với trọng tâm là bàn về các biện pháp giải quyết vấn đề nợ công tại khu vực Eurozone.

Các nhà bình luận cũng kỳ vọng rằng cuộc họp sẽ tạo ra những bước tiến mới trong việc giải quyết căn cơ các vấn đề nợ công khu vực đồng thời tạo tiền đề cho các nhà lãnh đạo châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh EU sắp tới vào ngày 23/10 giải quyết "dứt điểm" cuộc khủng hoảng này.

Trước đó, quyết định vào phút chót của thành viên Eurozone nhỏ bé Xlôvakia đồng ý với kế hoạch mở rộng Qũy bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để cứu trợ khu vực Eurozone đang chìm trong khủng hoảng nợ công, cũng đã khiến thị trường "thở phào nhẹ nhõm". Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia chỉ có trên 5 triệu dân này đã từng phản đối việc gia tăng quỹ EFSF lên 440 tỷ euro (600 tỷ USD) sau khi tất cả 17 thành viên của Eurozone đã đạt được đồng thuận. Và chỉ trong lần bỏ phiếu lại lần hai vào ngày 12/10, vấn đề này mới được các chính khách của Xlôvakia thông qua, mở đường cho một sự nhất trí hoàn toàn trong nội khối về vấn đề ngân sách cho cuộc giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.

Ngoài ra, những tin tức khá tốt lành đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, trong phiên cuối tuần cũng củng cố thêm tâm lý cho giới đầu tư.

Đồng USD yếu đi, trong khi đồng euro lên giá (trong phiên cuối tuần 14/10 đã có lúc tăng vọt lên 1,94 USD, mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây) cũng hỗ trợ cho giá dầu.

Thùy Chi (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN