Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Thống đốc IAEA từ Vienna (Áo), ông Grossi nhận định không nên coi việc giám sát chương trình hạt nhân của Iran như "một lá bài" cho ngoại giao. Ông Grossi nhấn mạnh không nên đặt các cuộc thanh sát của IAEA lên bàn đàm phán, cho rằng sẽ không thể đi tới một thỏa thuận khả thi giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn JCPOA nếu không có sự hiện diện mạnh mẽ của các thanh sát viên IAEA.
Ngày 23/2, Iran đã hạn chế quyền tiếp cận của IAEA tới một số cơ sở ở nước này dựa trên một đạo luật được Quốc hội Iran thông qua vào tháng 12 năm ngoái, trong đó quy định hạn chế quyền thanh sát của IAEA nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran không được nới lỏng. Trước đó chỉ 2 ngày, Iran và IAEA đã đồng ý về một giải pháp tạm thời kéo dài 3 tháng, theo đó Tehran tiếp tục cho phép IAEA thanh tra các cơ sở hạt nhân đã khai báo, trừ các cơ sở phi hạt nhân khác.
Ông Grossi mô tả những hạn chế này của Iran là "một mất mát lớn". Ông cũng cho biết thỏa thuận đạt được với Iran ngày 21/2 là "một nghị định thư mang tính kỹ thuật tạm thời, phù hợp với luật pháp Iran", văn kiện cho phép IAEA nối lại xác minh và giám sát đầy đủ các cam kết liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran theo JCPOA nếu và khi Iran nối lại việc thực thi các cam kết của đó.
Ngoài vấn đề trên, Tổng giám đốc IAEA Grossi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số vật chất hạt nhân chưa khai báo của Iran, nhấn mạnh rằng sự hiện diện của rất nhiều hạt urani nhân tạo là dấu hiệu rõ ràng cho thấy vật liệu hạt nhân và/hoặc thiết bị bị phơi nhiễm hạt nhân đã hiện diện tại một địa điểm mà Iran chưa khai báo. Ông nói: "Do Iran không có giải thích đáng tin cậy về mặt kỹ thuật, IAEA rất lo ngại rằng vật chất hạt nhân chưa khai báo có thể đã hiện diện tại địa điểm chưa công bố này và vật chất hạt nhân đó vẫn chưa được Iran báo cáo theo Hiệp định Bảo đảm của họ". Ông cũng cho biết Iran chưa trả lời bất kỳ câu hỏi nào của IAEA liên quan tới khả năng hiện diện của vật chất hạt nhân tại 3 địa điểm khác.
Cuộc họp của Hội đồng Thống đốc IAEA kéo dài đến ngày 5/3 chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Ngày 1/3, Iran đe dọa dỡ bỏ giải pháp tạm thời với IAEA về việc thanh sát nếu Anh, Pháp và Đức đưa ra nghị quyết lên án Iran. Theo các nhà ngoại giao, nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn này có thể được đưa ra biểu quyết vào ngày 5/3, trong đó 3 nước châu Âu bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hành động của Iran và kêu gọi Tehran cho phép nối lại "ngay lập tức" toàn bộ các cuộc thanh sát của IAEA.