Theo đó, IAEA cho biết lò phản ứng hạt nhân công suất 5MW tại Yongbyon đã không hoạt động kể từ đầu tháng 12/2018, khoảng thời gian đủ để khử hết nhiên liệu cũ và nạp nhiên liệu mới.
Báo cáo nêu rõ tính đến giữa tháng 8/2018, lò phản ứng này đã cho thấy các dấu hiệu đang hoạt động rõ ràng, song kể từ cuối tháng 8/2018 đến cuối tháng 11/2018, IAEA chỉ quan sát được dấu hiệu hoạt động gián đoạn, hoàn toàn không thấy hoạt động kể từ đầu tháng 12.
Báo cáo cũng xác nhận không quan sát được dấu hiệu hoạt động tại nhà máy tái xử lý vật liệu phóng xạ và lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng ở tổ hợp Yongbyon. Tuy nhiên, báo cáo lại cho biết đã quan sát được cơ sở làm giàu urani tại đây đã được sử dụng, cho thấy có hoạt động vận chuyển các bộ phận lò phản ứng hạt nhân được chế tạo ở lò phản ứng nước nhẹ, đến tòa nhà đặt lò phản ứng hạt nhân. Báo cáo nhấn mạnh các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn là nguyên nhân gây "quan ngại sâu sắc".
Báo cáo khẳng định cơ sở hạt nhân Yongbyon vẫn là nguồn sản xuất plutoni cấp vũ khí chủ lực của Bình Nhưỡng. Quốc gia này có thể thu được lượng plutoni để sản xuất 1 quả bom hạt nhân nếu lò phản ứng này tái xử lý hàng nghìn thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được lấy ra từ lò phản ứng sau khoảng 1 năm hoạt động.
Do không thể tiếp cận cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, IAEA đã sử dụng các thông tin khác như hình ảnh vệ tinh để giám sát chương trình hạt nhân của nước này.