Phát biểu với báo giới tại Tokyo, ông Grossi cho biết chỉ có lượng nước nhỏ tràn ra từ một phía của nhà máy. Lượng nước tràn ra ban đầu được ước tính là 5m3, nhưng sau đó được điều chỉnh giảm xuống 1,5 m3. Theo ông, đây chỉ là sự cố nhỏ có thể phát sinh tại khu công nghiệp lớn và không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tổng giám đốc IAEA cũng khẳng định sự cố xảy ra ở một nơi khác của nhà máy Fukushima và không liên quan đến quá trình xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Tổng giám đốc IAEA đang có chuyến thăm Nhật Bản trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 12/3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Grossi cũng đến thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima để đánh giá tình trạng xả nước thải. Ông Grossi đánh giá giới chức và người dân tại đây hiện có tâm lý tích cực và an tâm hơn về vấn đề xả nước thải của nhà máy so với thời điểm công tác này bắt đầu được thực hiện vào tháng 8/2023.
Tháng 7/2023, IAEA đã đệ trình báo cáo kết luận rằng việc xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và có "tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường". Tính đến nay, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thực hiện 4 đợt xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương, sau khi được xác nhận là đáp ứng ngưỡng phóng xạ theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng cộng khoảng 31.150 tấn nước thải đã qua xử lý phóng xạ.
Đợt xả mới nhất bắt đầu từ ngày 28/2 với 7.800 tấn nước được xả trong 17 ngày. Như vậy, TEPCO đã hoàn tất việc xả thải theo kế hoạch đề ra ban đầu trong tài khóa 2023 là 31.200 tấn và dự kiến trong tài khóa 2024 sẽ xả khoảng 54.600 tấn nước đã qua xử lý phóng xạ.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Grossi cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ khoảng 18 triệu euro (20 triệu USD) cho các hoạt động của IAEA. Cam kết được đưa ra tại cuộc gặp giữa Tổng giám đốc IAEA và Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida. Khoản tài trợ sẽ giúp IAEA triển khai các sáng kiến ở nhiều lĩnh vực sử dụng công nghệ hạt nhân, như dược phẩm và nghiên cứu ung thư.