Chính phủ đã bắt đầu dỡ bỏ dần dần các biện pháp kiểm soát tài chính kể từ năm 2016 thông qua việc nới lỏng hạn chế đối với người dân địa phương và các biện pháp hạn chế cuối cùng cũng đã được xóa bỏ vào đêm 12/3. Chính phủ Iceland hy vọng động thái trên sẽ mở đường cho các khoản đầu tư từ các quỹ hải ngoại do người Iceland đứng đầu và cải thiện tiềm năng đầu tư vào quốc gia này trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện đồng tiền crown của Iceland được đánh giá có giá trị thấp và dễ bị tác động, có thể là nguyên nhân khiến những vấn đề kinh tế liên quan trở nên trầm trọng hơn, vì vậy cần có biện pháp hợp lý để quản lý tốt đồng nội tệ. Trên thực tế, việc gỡ bỏ hạn chế tài chính, vốn được kỳ vọng là sẽ kích thích lưu thông các dòng vốn nước ngoài và nội địa, đã khiến cho giá trị đồng crown của Iceland rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm kể từ sau khi các lệnh hạn chế được áp dụng.
Giới chức tài chính Iceland cũng đã chuẩn bị cho kịch bản này với số vốn dự trữ của Ngân hàng Trung ương đạt mức 7,4 tỷ USD vào cuối năm ngoái nhằm ứng phó với những biến đổi trong thời kỳ quá độ và ổn định tình hình. Theo Bộ trưởng Tài chính Iceland Benedikt Johannesson khoản dự trữ này giúp Iceland ổn định được tỷ giá đồng tiền nội địa.
Các biện pháp kiểm soát tài chính đã được Chính phủ Iceland áp dụng từ 8 năm trước sau khi hệ thống ngân hàng tại quốc gia có 330.000 dân này bị "đè bẹp" bởi hàng loạt những khoản nợ lớn tích lũy qua nhiều năm mở rộng hoạt động ra nước ngoài, khiến tình trạng bất ổn lan cả sang các quốc gia châu Âu khác. Đây được coi là biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng rút vốn và đồng nội tệ mất giá. Đây cũng là thời kỳ mà Iceland được nhắc tới như một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng năm 2008.