Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 18/6. Ảnh: EFE/TTXVN |
Iceland cam kết tìm cách cải tổ cơ quan gồm 47 quốc gia thành viên có trụ sở tại Geneva với nhiệm vụ giám sát tình hình nhân quyền trên toàn thế giới và có quyền thành lập các cuộc điều tra về những tội ác chống lại loài người.
Tuần trước, Ngoại trưởng Iceland Gudlaugur Thor Thordarson viết trong một bài xã luận rằng đã tới lúc cần phải tiến hành cải cách để xử lý "những nhược điểm" của Hội đồng Nhân quyền và khắc phục tình trạng "thiếu cân đối dai dẳng" trong trọng tâm của cơ quan này.
Trước đó, ngày 19/6, Mỹ đã quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với lý do cơ quan này có quan điểm thành kiến chống lại Israel. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đã tuyên bố rằng quyết định được đưa ra trước thực tế là không một quốc gia nào "có can đảm để ủng hộ các cuộc đấu tranh" do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng nêu rõ việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ không có nghĩa là nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.
Chính quyền của Tổng thống Trump hiện là mục tiêu của những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức nhân quyền vì đã tách gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico, một chiến lược nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Mỹ đã từ chối tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền LHQ ngừng hoạt động trong cùng năm. Tới năm 2009, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama đã gia nhập hội đồng này.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan LHQ, và nhất là công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn được LHQ ủng hộ.