Đây là số liệu mới nhất được ICRC công bố ngày 30/8 nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế của các nạn nhân mất tích cưỡng bức.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của ICRC Patrick Youssef đánh giá rằng 25.000 trường hợp được ghi nhận này không phản ánh đầy đủ vấn đề nhân đạo bi thảm và không được quan tâm này.
ICRC cho biết các trường hợp người mất tích được ghi nhận đang gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Hơn 35 cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở châu Phi, khiến hàng nghìn người (bao gồm cả trẻ em) vượt biên giới, sa mạc Sahara và biển Địa Trung Hải mỗi năm để tìm kiếm một cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn. Theo ICRC, những hành trình như vậy thường tiềm ẩn rủi ro lớn, bao gồm cả nguy cơ mất tích.
Năm 2021, ICRC đã giúp lần ra dấu vết của 4.200 người mất tích và giúp 1.200 gia đình ở châu Phi đoàn tụ. Ngoài ra, tổ chức này cũng đã tạo điều kiện cho hơn 773.000 cuộc gọi điện thoại và video giữa các gia đình ly tán do xung đột vũ trang hoặc các tình huống bạo lực, di cư, giam giữ hoặc các hoàn cảnh khác.
Theo ông Youssef, các nước trong khu vực có những chính sách đúng đắn có thể cứu cuộc đời các em và là biện pháp cần thiết bảo vệ người di cư và gia đình của những người mất tích. Trẻ em đối mặt với những mối đe dọa như bị bóc lột, bị bạo hành, bị tra tấn về tinh thần, nguy cơ biến mất trong suốt hành trình di cư, di chuyển trong nước hoặc vượt biên giới; nhiều em phải sống cô độc, không có tin tức gì về gia đình.
ICRC cho biết tổ chức này phát hiện hơn 5.200 trẻ em ở châu Phi không có bố mẹ đi kèm.