Lễ Idul Fitri, hay còn gọi là Lebaran, ở Indonesia năm nay được giới chức Đạo Hồi xác định là ngày 10/4. Đây là ngày đánh dấu kết thúc tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Sau một tháng thực hành nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, các gia đình sẽ tổ chức lễ Idul Fitri với những bữa tiệc linh đình. Đường phố và các tòa nhà, trung tâm thương mại được trang hoàng lộng lẫy và chứa đựng những thông tin về dịp lễ lớn trong năm.
Trong Hồi giáo, tháng Ramadan là thời điểm không chỉ để rèn luyện tính tự kiềm chế mà còn để thấm nhuần các giá trị của sự đơn giản và chừng mực khi các tín đồ thực hành nhịn ăn. Ngày lễ tượng trưng cho sự suy tư, đổi mới, tha thứ và quy tụ, kết nối cộng đồng.
Những người làm ăn xa đều mong trở về nhà để sum họp, đoàn tụ. Những gia đình khá giả có thể mở tiệc đãi những người kém may mắn hơn trong cộng đồng. Vào dịp này, người Hồi giáo luôn đến nhà thờ và cầu nguyện. Họ nói với nhau bằng những lời tốt đẹp, cầu xin sự tha thứ và đón nhận một khởi đầu mới trong lễ Idul Fitri. Vì vậy, Idul Fitri cũng được coi là dịp thúc đẩy sự hòa hợp và hiểu biết chung trong xã hội. Hơn nữa, Idul Fitri còn là thời gian để cho đi và làm từ thiện, tôn vinh sự chia sẻ trong xã hội Hồi giáo.
Có thể bắt gặp ngoài đường những chiếc xe hơi sang trọng ghé vào những nơi có những người nghèo bán hàng nhỏ lẻ bên đường, hay nhóm người vô gia cư, để trao quà, tiền... rồi lại tiếp tục hành trình. Cả người cho và người nhận đều không hề quen biết, nhưng họ đều biết rõ đó là sự sẻ chia trong xã hội Hồi giáo. Họ vui vẻ cho – nhận và nói với nhau câu truyền thống “Mohon maaf Lahir dan Batin” (cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm dù chỉ là vô tình).
Người Hồi giáo Java khi chào đón Idul Fitri, đã trở thành truyền thống rằng Idul Fitri là một ngày tràn ngập niềm vui với thức ăn dồi dào trong các bữa tiệc, pháo hoa và quần áo mới.
Mặc dù tháng Ramadan năm nay bắt đầu bằng những lời phàn nàn của người dân về giá gạo và các nhu yếu phẩm khác tăng cao, nhưng điều này không làm giảm lối sống điển hình của người Hồi giáo Indonesia trong tháng nhịn ăn. Mỗi buổi chiều trước khi kết thúc một ngày nhịn ăn, mọi người lại đổ đến các quán ăn hoặc trở về nhà sớm hơn thường lệ để cùng ăn bữa tối với gia đình, gọi là bữa Iftar. Đây là bữa thứ 2 trong ngày sau bữa ăn trước lúc mặt trời mọc, gọi là ... để cung cấp năng lượng cho một ngày nhịn ăn và uống.
Gần đến lễ Lebaran, các quảng cáo về thực phẩm, đồ uống, quần áo, xà rông và thậm chí cả xe cộ không ngừng xuất hiện ở khắp nơi, trên truyền hình, trên phố, trong Trung tâm thương mại, các siêu thị... Các nhãn hàng đều muốn thu hút người tiêu dùng.
Các chợ và trung tâm mua sắm đều đấy ắp hàng hóa và tấp nập người mua sắm. Mặc dù chính phủ đã cố gắng ổn định giá cả để những người có thu nhập thấp có thể ăn mừng lễ Idul Fitri, nhưng trên thực tế, giá vẫn tăng khá cao so với ngày thường. Quy luật không tránh khỏi về cung, cầu và giá cả năm nào cũng là bài toán mà chính phủ phải quan tâm từ sớm. Dù phàn nàn nhưng người dân vẫn chấp nhận thực tế giá cả và sức mua vẫn tăng vọt trong dịp lễ, bởi ai cũng nghĩ “cả năm có một lần”. Gia đình nào cũng sắm sửa cho mình một Lễ Idul Fitri sung túc, đủ đầy.
Tinh thần của Idul Fitri hướng các tín đồ Hồi giáo đến gần hơn với Thánh Ala bằng một đức tin lớn lao cũng như mang lại cho họ sự lạc quan vào một tương lai tốt đẹp.