Báo cáo của IEA nêu rõ cho đến nay các quốc gia và các nhà đầu tư tư nhân mới chỉ đóng góp khoảng 25% trong tổng số 1.200 tỷ USD cần có vào năm 2030 để có thể phát triển và triển khai sử dụng hydro cũng như biến nguồn năng lượng này trở thành một phần trong các chiến lược giảm khí thải ròng toàn cầu về mức 0.
Báo cáo nhấn mạnh các nỗ lực "xanh" nên hướng tới sử dụng hydron trong nhiều lĩnh vực hơn nữa và phát triển các công nghệ để giúp giảm giá thành sản xuất loại nhiên liệu này từ các nguồn năng lượng tái tạo. Theo báo cáo, hydro được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu tái tạo có giá thành ước tính cao gấp 2-7 lần so với sản xuất từ khí đốt tự nhiên không thu giữ carbon. Công nghệ mới và việc sản xuất đại trà có thể giúp thu hẹp khoảng cách này.
Báo cáo cho biết thêm hầu hết hydro thu được hiện nay là từ các nhiên liệu hóa thạch không thu giữ carbon, dẫn tới việc gần 900 triệu tấn CO2 thải ra ngoài môi trường, tương đương tổng lượng khí thải CO2 của Anh và Indonesia cộng lại. Công suất điện phân toàn cầu - phân tách nước thành oxy và hydro nhờ dòng điện truyền qua nước - đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Gần 400 dự án đang được triển khai hoặc bước đầu được triển khai. Các dự án này sẽ giúp tăng nguồn cung hydro từ mức dưới 50.000 tấn/năm vào năm 2021 lên mức 8 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Tuy vậy, con số này vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu năng lượng sạch cần có vào năm 2030 để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo báo cáo, gần như tất cả lượng hydro tiêu thụ năm 2020 là trong các lĩnh vực lọc dầu và công nghiệp. Tuy nhiên, nhiên liệu này cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong các ngành sản xuất hóa chất, thép, vận tải và hàng không - những ngành đang đối mặt thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Báo cáo cho rằng các chính sách của chính phủ các nước hiện tập trung vào sản xuất, song cần kết hợp tiêu thụ trong các lĩnh vực mới để thúc đẩy xây dựng kho lưu trữ, truyền tải và các trạm sạc hydro cần thiết.
IEA cho biết hiện 17 chính phủ có chiến lược hydro và hơn 20 quốc gia khác thông báo đang lên các kế hoạch phát triển liên quan, tăng từ mức chỉ 3 quốc gia vào năm 2019.
Hydro rất nhẹ, có thể lưu trữ, tỷ trọng năng lượng cao, nếu sử dụng làm nhiên liệu thì gần như không phát thải khí ô nhiễm mà chỉ sinh ra hơi nước. Có thể thu được hydro qua điện phân nước. Vì vậy, đây là nguồn năng lượng gần như vô tận hoặc có thể tái tạo. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao cùng với nhiều quan ngại về cách thức sản xuất hydro đang đặt ra rào cản đối với việc mở rộng sử dụng nguồn nhiên liệu này.