Phát minh quần dành cho chuột. |
Tối ngày 22/9, tại Đại học Harvard (Mỹ), một lễ trao thưởng xôm tụ đã được tổ chức. Những người thắng giải Ig Nobel năm nay sẽ được trao tặng 10.000 tỉ tiền Zimbabwe (tương đương 40 xu USD).
Giải Ig Nobel đã xướng tên bác sĩ Ai Cập Ahmed Shafik - người tìm hiểu về tác động của quần dài với "đời sống tình dục" chuột đực. Ông thiết kế quần ôm lấy hai chân phía sau của chuột chỉ chừa một phần để "khoe đuôi". Chất liệu sản xuất quần bao gồm 100% polyester, 50/50% polyester và cotton, hoàn toàn là cotton hoặc 100% là len.
Nghiên cứu cho thấy chuột mặc đồ polyester có tần xuất “yêu” thấp hơn. Lời giải thích được đưa ra là do tĩnh điện của chất liệu vải. Trong khi đó, chuột diện quần cotton và len lại có sinh hoạt tình dục bình thường.
Nhóm người New Zealand và Anh gồm Mark Avis, Sarah Forbes và Shelagh Ferguson đã giành giải Ig Nobel kinh tế vì nghiên cứu bản chất của đá với kinh doanh.
Giải Ig Nobel vật lý thuộc về ông Gabor Horvath và đồng nghiệp với khám phá lý do chuồn chuồn thường bị cuốn hút bởi bia mộ màu đen.
Anh Thomas Thwaites với chân giả để chạy cùng dê. |
Giải sinh học được trao cho anh Charles Foster vì đã dành thời gian sống trong hoang dã hóa thân thành cáo, chim, hải ly... và một công dân Anh khác là Thomas Thwaites - người đã tạo chân giả để được đồng hành cùng các chú dê trên những ngọn đồi.
Giải hóa học thuộc về nhà sản xuất xe Volkswagen vì đã cho ra ít khí thải hơn "bất cứ khi nào xe ô tô của hãng này được thử nghiệm".
Giải y tế thuộc về Christoph Helmchen và các đồng nghiệp khi khám phá ra rằng nếu bạn có vết ngứa bên phần trái hoặc phải của cơ thể, bạn có thể giảm ngứa bằng cách nhìn vào gương và gãi vào phía thân người không có vết ngứa.
Giải văn học dành cho ông Fredrik Sjoberg với 3 quyển tự truyện về sự thỏa mãn của việc thu thập ruồi chết và cả ruồi sống.
Giải tâm lý học dành cho Evelyne Debey và các đồng nghiệp khi tổ chức cuộc thăm dò ý kiến đặt câu hỏi cho hàng nghìn người thường nói dối về tần suất bịa đặt của họ rồi sau đó những nhà khoa học này quyết định xem có tin vào những câu trả lời đó hay không.