Chính vì vậy, khi đến thành phố Iiyama của tỉnh Nagano vào những ngày đầu Thu năm 2018, tôi đã tự hỏi không biết có điều gì thú vị đến với chúng tôi khi xứ xở này chưa khoác chiếc áo choàng tuyết trắng. Chỉ ít phút sau khi xuống tàu Shinkansen, chúng tôi đã có câu trả lời đầu tiên.
Iiyama là một thành phố cao nguyên nhỏ nằm ở vùng núi phía Bắc tỉnh Nagano. Hoạt động đi du lịch đến thành phố nhỏ này trở nên vô cùng thuận tiện khi tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen phục vụ cho Olimpich mùa Đông Nagano được khai trương vào năm 1997, với thời gian di chuyển từ ga Tokyo đến ga Iiyama chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ.
Vốn quen với nhịp sống ồn ào, hồi hả và đông đúc tại một đô thị lớn như Tokyo, chúng tôi cảm thấy có một chút chững lại khi đặt chân xuống nhà ga Iiyama vắng vẻ và yên tĩnh. Một người bạn Nhật Bản, chị Sahori Shibata, đón chúng tôi tại nhà ga Iiayama với nụ cười ấm áp.
Lỉnh kỉnh những hành lý phục vụ cho một chuyến công tác dài ngày, chúng tôi bước chân lên một chiếc thang cuốn lớn tại nhà ga để đến bãi đỗ ô tô. Trong lúc tôi còn đang mải ngắm nội thất của nhà ga được trang trí bằng gỗ và giấy washi (giấy Nhật) đầy màu sắc, giọng nói nhỏ nhẹ của chị Shibata chợt vẳng đến từ phía sau “chúng ta đang sử dụng chiếc thang cuốn duy nhất trong thành phố Iiyama”.
Tôi đã không nghe nhầm. Thành phố có diện tích 202,43km2 với dân số khoảng 21.000 người, mật độ dân cư thưa thớt chỉ 104 người/km2. Vì vậy, trong thành phố không có tòa nhà nào có diện tích rộng và chiều cao đủ cần thiết để lắp thang cuốn, ngoại trừ nhà ga, nơi không chỉ để đón các chuyến tàu cao tốc Shinkansen, mà còn là trung tâm giới thiệu quảng bá du lịch của thành phố.
Vốn nổi tiếng là địa danh du lịch dành cho những người yêu thích tuyết trắng, song lần này IIyama đón chúng tôi bằng màu xanh tươi mát của thiên nhiên với những cao nguyên, vườn cây, cánh đồng lúa mì và rừng cây đang vào độ rực rỡ nhất.
Khu vườn cổ tích
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trang trại Shiozaki, cách ga Iiyama chỉ bảy phút đi bộ. Nông trại nổi tiếng với các giống táo Koogyoku (Hồng Ngọc), Shinano Sweet (Vị ngọt Shina), Akibae, Sekaiichi, Yoko, Shinano Gold, Orin, Sun Fuji…
Nghề trồng táo tại trang trại Shiozaki có xuất xứ từ Aomori, xứ sở trồng táo nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Tận dụng khí hậu lạnh và nhiều tuyết gần giống với Aomori, gia đình Shiozaki đã tạo ra những quả táo có hương vị đặc sắc, từ những quả táo ngọt có độ đường cao đến những quá táo có vị chua thanh đặc biệt phù hợp để làm bánh táo. Nho của trang trại Shiozaki cũng nổi tiếng với vị ngọt thanh mát, rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.
Thời gian thu hoạch Táo mùa Thu thường bắt đầu từ giữa cuối tháng Tám đến đầu tháng Mười Hai. Sự ưa chuộng của khách hàng Nhật Bản dành cho táo của trang trại Shiozaki là động lực để chủ trang trại Makoto Shiozaki quyết định mở một dịch vụ du lịch mới.
Từ năm 2017, nông trại Shiozaki mở cửa từ ngày 25/9 đến 16/11 hàng năm để đón du khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn. Giá cho một lần vào thưởng thức nho tại vườn đối với người lớn là 1.500 yên. Mức giá để vào vườn táo thưởng thức là 600 yên và sẽ nâng lên mức từ 1.000 -1500 yên nếu khách muốn đem táo về sau khi đã thưởng thức tại vườn.
Chúng tôi đến vườn táo đúng thời điểm đẹp nhất, cuối tháng Chín. Ký ức tuổi thơ được chơi đùa thoải mái giữa thiên nhiên xanh chợt ùa về khi tôi thả mình giữa vườn táo xanh tốt với những trái táo lúc lỉu, ửng hồng, ngang tầm tay với.
Những trái táo đẹp như tranh vẽ, đến mức tôi không nỡ hái xuống. Sau một lúc say mê, tạo dáng các kiểu để ghi lại vẻ đẹp của vườn táo, tôi chọn quả táo gần mình nhất và vươn tay hái. Điều bất ngờ là trái táo bám chắc vào cành cây khiến tôi phải dùng hết sức để giật mạnh xuống.
Thấy tôi loay hoay hái táo, chủ trang trại, anh Makoto Shiozaki, liền hướng dẫn. Hóa ra, hái táo không cần phải dùng lực để giật xuống, thay vào đó chỉ cần giữ trái táo và bẻ nghiêng cuống táo theo chiều hướng lên trên, cuống táo sẽ nhẹ nhàng lìa khỏi cành.
Anh Makoto mang theo bộ dao gọt táo chuyên dụng, gọt táo ngay tại vườn để mời chúng tôi. Giây phút thư giãn giữa vườn cây xanh, tận hưởng vị ngọt của quả táo khiến tôi tưởng mình đang ở trong một khu vườn cổ tích.
Câu chuyện Forest Therapy
Rời trung tâm thành phố Iiyama, chúng tôi tiến về cao nguyên Nabekura, nơi được đánh giá là một trong những địa điểm thiên nhiên đặc sắc nhất của Nhật Bản. Điểm đến của chúng tôi là Morinoie (tạm dịch Ngôi nhà rừng xanh).
Đón tiếp chúng tôi tại nhà chính của Morinoie là anh Tomoki Kobayashi, người đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu điều đặc biệt nhất của Morinoie, đó chính là Forest Therapy.
Theo chân anh Kobayashi, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Morinoie. Tuyến đường đi bộ dài khoảng 2km bắt đầu từ hồ Tamogi, được hướng dẫn chi tiết trên bản đồ dựng dọc theo lộ trình. Tất nhiên, vì đó là một khu rừng nên với những người mới đến, đi xuyên qua rừng là một điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, du khách được khuyến khích nên đi cùng người hướng dẫn.
Con đường đi bộ được trải bằng vụn gỗ, hầu như không gây tiếng động và rất êm chân. Khi mới bắt đầu lộ trình, những cây to trước mắt tôi hầu hết là tuyết tùng. Chỉ có một số ít cây dẻ gai thấp và mảnh dẻ.
Tôi hít thở từng hơi thật sâu để cảm nhận bầu không khí trong lành, mát rượi. Vò nhẹ một chiếc lá từ bụi cây bên đường, hương thơm dịu dìu lan tỏa. Anh… nói hầu hết các cây trong rừng đều là loại cây có dược tính tốt.
Đi hết rừng tuyết tùng, mở ra trước mắt chúng tôi là rừng dẻ gai với nhiều cây cao vút, có tuổi đời từ 100 đến 200 năm.
Cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, rừng dẻ gai vẫn còn ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, đặc biệt phổ biến ở những vùng tuyết rơi nhiều dọc theo Biển Nhật Bản. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ II, bắt đầu xuất hiện quan điểm cho rằng dẻ gai là loại cây không có ích, vì đặc tính mềm và dễ bị cong vênh khiến cho gỗ cây dẻ gai không phù hợp sử dụng cho các mục đích như xây dựng và làm mộc.
Vì vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1960, nhiều rừng dẻ gai đã bị chặt hạ và được thay thế bằng tuyết tùng Nhật Bản.
Nhưng tại cao nguyên Nabekura, rừng dẻ gai vẫn được bảo tồn nhờ người dân địa phương đã truyền nhau kinh nghiệm lâu đời về tầm quan trọng của rừng dẻ gai, đặc biệt là đối với việc cung cấp nguồn nước. Cư dân Nabekura đã không chặt hạ dẻ gai, giúp rừng dẻ gai ở đây tránh được chiến dịch phá rừng diện rộng lúc đó.
Năm 1986, cơ quan lâm nghiệp thành phố Iiyama công bố kế hoạch phá rừng dẻ gai tại cao nguyên Nabekura. Đó là vào giai đoạn kinh tế phát triển bong bóng vào cuối những năm 80, chính quyền địa phương tập trung vào việc xây dựng các đường trượt tuyết trên sườn núi, trong đó có kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng quy mô lớn để phát triển du lịch.
Tranh cãi nổ ra giữa những người bảo vệ rừng dẻ gai và những người muốn phá rừng. Cuối cùng, thắng lợi đã thuộc về những người bảo vệ rừng. Năm 1990, thị trưởng mới nhậm chức lúc đó là ông Kunitake Koyama đã hủy bỏ kế hoạch phá rừng làm khu nghĩ dưỡng với lý do cần bảo vệ các rừng dẻ gai mà người dân địa phương đã trân trọng gìn giữ. Rừng dẻ gai tại Nabekura tiếp tục được duy trì và phát triển.
Đối với người dân địa phương, cây dẻ gai là giống cây bảo vệ nguồn nước. Đối với động vật hoang dã sinh sống trong rừng như sóc và gấu, hạt dẻ gai bùi, thơm và ngọt là nguồn thức ăn quan trọng.
Nỗ lực của người dân đã giúp thành phố Iiyama trở thành địa phương hiếm hoi bảo tồn được rừng dẻ gai với nhiều cây có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Được mệnh danh “thung lũng cây khổng lồ”, Morinoie đã trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút hàng chục nghin du khách yêu thích môn thể thao đi bộ đường dài tìm đến nơi đây.
Đặc biệt hơn, năm 2005, Morinoie được chứng nhận là “Forest Therapy Base”, đưa thành phố Iiyama trở thành địa phương đầu tiên tại Nhật Bản sở hữu giấy chứng nhận này. Forest Therapy (tạm dịch “Liệu pháp rừng an dưỡng”) là không gian rừng được xác nhận có “nguồn năng lượng xanh” (green healing power), có khả năng giúp con người thư giãn, tái tạo sức khỏe.
Kết quả thực nghiệm cho thấy nếu dành một thời gian trải nghiệm tại cánh rừng này, lượng hormones gây căng thẳng sẽ giảm xuống. Không chỉ vậy, nghỉ dưỡng tại rừng còn đem lại những tác động tích cực cho sức khỏe, trong đó có kích thích hệ miễn dịch giúp tiêu diệt ung thư.
Những kết quả này là những bằng chứng thuyết phục đầu tiên trên thế giới cho thấy sức mạnh của rừng xanh trong việc hàn gắn, điều trị sức khỏe cho con người.
Tìm về truyền thống
Bức tranh Iiyama càng trở nên hoàn hảo hơn khi chúng tôi tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của thành phố nhỏ bé này. Thành phố nhỏ với hơn 20 ngôi đền, tàn tích của lâu đài Iiyama và những khu phố cổ được mệnh danh là Tiểu Kyoto vì vẻ cổ kính.
Cùng với chị Sahori, chúng tôi đến khu phố có tên hành chính là Atago. Nơi đây từng là trung tâm phố cổ của Iiyama, nổi tiếng với các cửa hiệu chuyên sản xuất bàn thờ Phật có hàng trăm năm lịch sử.
Chính vì vậy, người dân nơi đây còn gọi phố Atago là phố Butsudan trong tiếng Nhật có nghĩa là bàn thờ Phật. Tuyến phố dài khoảng 300m với điểm nhấn nổi bật là mái che gỗ chắc chắn toàn bộ vỉa hẻ hai bên đường.
Chị Sahori nói rằng thời tiết tuyết rơi nhiều ở Iiyama là lý do chính để các ngôi nhà ở Iiyama có mái nhà vươn ra che kín vỉa hè, gọi là “gangi”, nhằm giúp cho khách bộ hành có thể đi dọc theo phố mà không bị tuyết cản trở. Đây chính là nguồn gốc của cách gọi thứ ba mà người dân địa phương dành cho con phố này, phố Gangi.
Dọc theo phố Butsudan hay còn được gọi là phố Gangi, có hàng chục cửa hiệu sản xuất bàn thờ Phật có truyền thống hàng trăm năm. Vào thế kỷ thứ 14, Phật giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương vì vậy việc sản xuất bàn thờ Phật đã trở nên phổ biến.
Bước vào cửa hiệu Yamazaki, chúng tôi choáng ngợp khi nhìn thấy hàng loạt bàn thờ Phật lộng lẫy được trưng bày khắp các cửa hàng. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc hơn là mức giá của mỗi bàn thờ Phật, có những chiếc lên tới 45.000 USD (1 tỷ VND).
Chị Yamazaki, chủ cửa hiệu Yamazaki có bề dày 250 năm lịch sử, cho biết bàn thờ Phật tại phố Butsudan nổi tiếng khắp Nhật Bản vì sự kỳ công, tinh xảo, độ bền và thời gian chế tác kéo dài nhiều tháng. Bàn thờ có chiều cao khoảng 1m50, rộng khoảng 1m, có cửa đóng mở, được sơn mài và khảm đồng đỏ, đồng vàng.
Vật liệu làm bàn thờ là gỗ thông trắng Nhật hoặc tuyết tùng Nhật. Đối với những sản phẩm cấp cao, gỗ làm bàn thờ được lấy từ cây bách. Chị Yamazaki cho biết một bàn thờ được xuất đi từ IIyama có thể sử dụng được cả trăm năm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chính vì vậy, bên cạnh việc sản xuất ra các bàn thờ Phật mới, các cơ sở sản xuất ở Yamazaki còn nhận phục chế các bàn thờ cũ. Ngày nay, trung bình một năm, làng nghề sản xuất bàn thờ tại Iiyama bán ra thị trường 1.000 sản phẩm.
Từ phố Butsudan, chúng tôi được giới thiệu đến gặp nghệ nhân Washimoto, người có gần 50 năm làm nghề khảm những lá kim loại bằng đồng để gắn trang trí trên bàn thờ Phật. Đôi tay khéo léo của nghệ nhân chỉ trong chốc lát đã tạo ra những nét khảm tinh xảo trên một lá đồng mỏng.
Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, nghệ nhân Washimoto hướng dẫn cho chúng tôi những dụng cụ đặc biệt để khảm các hình hoa sakura, hoa cúc, chim muông… nhỏ xíu lên lá đồng. Ngay sau đó, chúng tôi được thực hành, tự tay làm một sản phẩm khảm đồng riêng cho mình.
Theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Washimoto, tôi chọn mũi khảm mà ông bảo là dễ nhất cho người lần đầu sử dụng, đó là mũi khảm có hình hoa sakura. Nhìn nghệ nhân gõ những nhát búa nhè nhẹ và các bông hoa, chim muông cứ thế xuất hiện một cách đơn giản trên lá đồng, tôi cảm giác như đó là công việc khá dễ dàng.
Cầm trên tay mũi khảm tí xíu và chiếc búa bé xinh, tôi tự tin đặt mũi khảm lên lá đồng mỏng và gõ một nhát búa xuống. Tuy nhiên, thay vì bông hoa hoàn chỉnh, trên lá đồng của tôi xuất hiện một bông hoa chỉ có hai cánh. Nhát búa tôi giáng không dứt khoát và bị lệch chiều đã không tạo đủ lực để mũi khảm in bông hoa sakura đủ bảy cánh lên lá đồng. Lúc đó tôi mới thực sự hiểu được để có được
những lá đồng khảm tinh xảo trang trí lên bàn thờ Phật, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm và tay nghề cao như thế nào. Sau khi gõ gõ vài nhát búa, tôi cũng hoàn thành sản phẩm của mình với những họa tiết mà nếu không phải là tác giả thì không ai biết là hình gì.
Nghệ nhân Washimoto đem lá đồng của tôi vào đánh bóng và chỉ vài phút sau tôi nhận lại sản phẩm của mình. Nó trở nên sáng loáng, bóng bẩy đến mức tôi có thể lờ đi được những nét khảm vụng về của mình trên đó.
Chị Sahori nói rằng có những lúc muốn thư giãn, chị lại đến đây, đăng ký tham gia buổi trải nghiệm khảm đồng dành cho du khách. Chương trình này đã trở thành một hoạt động được du khách yêu thích trong tour du lịch đến Iiyama.
Cùng với khóa trải nghiệm khảm đồng, Iiyama còn có buổi trải nghiệm làm bưu thiếp bằng giấy washi (giấy Nhật) tại xưởng giấy Uchiyama. Giấy washi của Uchiyama được làm từ vỏ cây dâu, được đánh giá có độ bền cao hơn hẳn các loại giấy hiện đại làm tự bột giấy.
Hơn nữa, người Nhật Bản rất ưa chuộng washi Uchiyama vì kết cấu thanh nhã, độ mịn màng, thông thoáng, giữ nhiệt tốt và tính bền màu. Bí quyết làm washi ở Iiyama được lưu truyền đã hơn 400 năm, vốn bắt đầu từ một thợ thủ công của Iiyama đến Mino, vùng làm giấy nổi tiếng của tỉnh Gifu để học nghề.
Trở về quê hương, những người thợ làm giấy Iiyama đã tận dụng yếu tố thời tiết lạnh giá nhiều tuyết, rải vỏ cây dâu lên các cồn tuyết, phơi khô dưới ánh Mặt trời. Đây chính là công đoạn tẩy trắng (được gọi là yuki zarashi) và làm bền vỏ cây, giúp cho vỏ cây dâu có màu trắng đặc biệt và độ bên cao.
Tất nhiên, thợ làm giấy ở Iiyama còn có thêm những bí quyết riêng để tạo ra một tấm washi Uchiyama hoàn chỉnh, mịn màng được yêu thích trên khắp Nhật Bản. Washi Uchiyama được đánh giá cao về chất lượng thường được sử dụng dán các ô trong cửa kéo kiểu Nhật và một số sản phẩm khác.
Đặc biệt, washi Uchiyama còn được sử dụng để trang trí nội thất, kể cả các công trình lớn như nhà ga Shinkansen của Iiyama.
Sự ưa chuộng của người dân Nhật Bản đối với washi Uchiyama đã khiến cho xưởng giấy trở thành một địa điểm tham quan thú vị trong hành trình khám phá thành phố này. Tại xưởng giấy Uchiyama, du khách sẽ được giới thiệu các công đoạn làm giấy và sau đó sẽ tự mình làm bưu thiếp.
Mỗi du khách sẽ được phát một khay gỗ, sau đó tự mình nhúng vào trong bể nước chứa bột vỏ cây dâu. Sau khi khay đã chứa một lượng bột vửa đủ và đã được lắc đều, phẳng, du khách sẽ đặt khay gỗ lên bàn, gỡ nhẹ thành khay.
Công đoạn cuối cùng là chọn hoa văn gồm lá khô, hoa khô… để thả nhẹ lên mặt lớp bột giấy phẳng và ướt. Sau khi bột giấy khô, du khách sẽ có một tấm thiếp kỷ niệm xinh xắn bằng chất liệu giấy Uchiyama.
Không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng với tuyết trắng, hành trình ba ngày khám phá Iiyama đã cho chúng tôi thấy vẻ đẹp đầy sức sống song cũng rất cổ kính của thành phố nhỏ này.
Ý thức bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống chính là điều cốt lõi mà mỗi người dân IIyama luôn thực hiện để bảo vệ và xây dựng thành phố quê hương của mình trở thành một điểm đến du lịch ấn tượng của xứ sở Mặt trời mọc.