Nhận định về bước đi này, Giáo sư Cecilia Cassinger chuyên về truyền thông chiến lược tại Đại học Lund Thụy Điển, cho biết chia sẻ và cho thuê có thể là các phương án giúp trở nên bền vững hơn.
Một lựa chọn khác còn là giảm quy mô sản xuất, thu hẹp sự tập trung vào các sản phẩm có chất lượng và giá thành cao hơn mà có thể sử dụng được trong một thời gian dài, dễ sửa chữa và bảo dưỡng, thay vì phải mua sản phẩm mới để thay thế.
Những thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn liên quan đến các hoạt động logistics bền vững, dịch vụ (sửa chữa, bảo dưỡng) và quản lý rác thải, theo bà Cassinger.
“Ông trùm” ngành thiết kế nội thất đến từ Thụy Điển hiện đã bắt đầu hoạt động sửa chữa và đóng gói lại các sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển tại mỗi cửa hàng. Ikea cũng đã triển khai chính sách cho phép khách hàng hoàn lại sản phẩm, bao gồm nội thất, để hãng bán lại hoặc đem đi quyên góp từ thiện.
Nguyên vật liệu thô của Ikea hiện chiếm 36,4% phát thải khí nhà kính của hãng. Trong đó hoạt động vận chuyển hàng hóa và di chuyển đến các cửa hàng của khách hàng chiếm 19,4% phát thải khí nhà kính của Ikea. Ikea hướng đến mục tiêu giảm trung bình 70% tác động khí hậu tổng thể trên mỗi sản phẩm đến năm 2030.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của Ikea được công ty con Ikea Industry chế tạo tại Ba Lan, Nga, Slovakia và Thụy Điển. Các thị trường lớn nhất của hãng là Đức (15%), Mỹ (14%) và Pháp (8%), theo số liệu năm 2017. Ikea cam kết “xóa sổ” nhựa sử dụng một lần vào năm 2020 và hỗ trợ các nhà cung cấp chuyển đổi nhà máy của họ sang mô hình có lợi đối với môi trường.