Trong báo cáo đánh giá tại cuộc họp mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố 3 ngày trước khi thời điểm Brexit diễn ra vào ngày 12/4, IMF đã cảnh báo về một giai đoạn trì trệ thương mại trầm trọng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn do tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Trong tình huống xấu nhất, IMF cho rằng một sự hỗn loạn giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của mình có thể sẽ gây ra một sự đổ vỡ, thậm chí làm gia tăng chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp và cổ đông ở Anh.
IMF dự báo tình trạng trì trệ thương mại do kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "xứ sở sương mù" giảm 1,4% trong năm đầu tiên và 0,8% trong năm tiếp theo.
Mặc dù không giảm mạnh, song EU cũng không tránh khỏi những tác động từ Brexit, với GDP dự đoán giảm 0,2% trong năm đầu tiên vào 0,1% trong năm tiếp theo. Theo IMF, tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận có thể làm giảm tới 3,5% GDP của Anh từ nay đến năm 2021 và 0,5% của EU trong giai đoạn này.
Liên quan Brexit, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michael Barnier khẳng định bất kỳ thời hạn trì hoãn "ly hôn" nào mà EU có thể đồng ý với Anh đều sẽ phải phụ thuộc vào kế hoạch mà Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 10/4.
Hiện nhà lãnh đạo Anh đang thực hiện nỗ lực ngoại giao cuối cùng với Pháp và Đức trước thời điểm diễn ra hội nghị EU, nơi mà Thủ tướng May hy vọng 27 nước thành viên EU còn lại sẽ đồng ý hoãn Brexit đến ngày 30/6.
Theo kế hoạch, bà May sẽ đến Paris và Berlin để thuyết phục về đề nghị "gia hạn ngắn" thời điểm Anh rời EU (đến ngày 30/6), trước khi chính thức thảo luận với các lãnh đạo EU.
Trước đó, Thủ tướng May đã đề nghị EU kéo dài thời hạn Brexit tới ngày 30/6 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tìm ra một kế hoạch Brexit mới. Đây là nỗ lực cuối cùng sau khi thỏa thuận Brexit của bà May đã bị Hạ viện bác bỏ 3 lần.