Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của ban điều hành, IMF nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine vốn đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, với giá dầu lên tới gần 120 USD/thùng, làm gia tăng lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19.
IMF cảnh báo "nếu xung đột leo thang, thiệt hại kinh tế sẽ càng nghiêm trọng hơn", khi các cú sốc về giá cả hàng hóa sẽ gây tác động trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo. Các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" nhằm vào Nga cũng sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính. Sự khan hiếm và gián đoạn nguồn cung có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine và Nga.
IMF cũng đề cập thiệt hại kinh tế đối với Ukraine, cho biết IMF sẽ nêu đề nghị của Kiev về việc hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine trong cuộc họp của ban lãnh đạo vào tuần tới.
Liên quan tác động kinh tế, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới.
Trong khi đó, tập đoàn Shell của Anh thông báo quyết định mua một lô dầu thô của Nga để tránh gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh hàng hóa từ các nguồn thay thế không thể đáp ứng đủ nhanh. Công ty này đảm bảo “sẽ chọn nguồn cung thay thế dầu mỏ của Nga bất cứ khi nào có thể”, tuy nhiên việc thay thế sẽ mất thời gian. Shell cam kết sẽ chuyển lợi nhuận thu được từ dầu mỏ của Nga vào một quỹ đặc biệt, quỹ đó có thể được sử dụng để hỗ trợ người dân Ukraine. Trước đó, Shell đã thông báo rút khỏi tất cả các dự án chung với Nga do căng thẳng Nga-Ukraine.