Sau một tháng bùng phát, dịch bệnh đã làm 213 người thiệt mạng tại Trung Quốc và gần 10.000 nhiễm, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Việc nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải đóng cửa, trong khi các hãng hàng không trên khắp thế giới thông báo hủy chuyến, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Phát biểu ngày 30/1 tại một diễn đàn, bà Georgieva cho biết: "Sẽ là vô trách nhiệm khi đưa ra bất cứ tin đồn nào xung quanh những gì có thể xảy ra".
Tổng Giám đốc IMF cho biết đợt dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng sau đó kinh tế đã tự phục hồi. Sự khác biệt là dịch SARS xảy ra đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ, trong khi đợt dịch 2019-nCoV hiện nay bùng phát khi giới chức Trung Quốc đang xử lý tình trạng tốc độ tăng trưởng chậm lại do tác động của cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
Bà Georgieva cho biết: "Chúng tôi đang quan sát và đánh giá". Bà cũng cho biết thêm rằng dịch bệnh trên cho thấy "sự không thể dự báo" đã trở thành tiêu chuẩn trên thế giới. Bà nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách phải luôn sẵn sàng, phòng chống và hành động sớm.
Cùng ngày, người phát ngôn IMF Gerry Rice cảnh báo: "Nếu các dây chuyền cung ứng toàn cầu bị tác động một cách có hệ thống hoặc các thị trường tài chính toàn cầu tác động lớn do bất ổn gia tăng, khi đó tác động (chung đến nền kinh tế) sẽ lớn hơn". Quan chức này cho biết IMF đang giám sát tác động kinh tế "một cách rất chặt chẽ và trong thời gian thực".
Trước đó, ngày 20/1, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2020, cao hơn mức 2,9% năm 2019 nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phần nào được giải quyết.
Trong một diễn biến liên quan, WHO cho biết "không có lý do nào" để hạn chế đi lại hoặc giao thương với Trung Quốc liên quan đến dịch 2019-nCoV. Khẳng định trên được đưa ra sau khi một số hãng hàng không quốc tế thông báo ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.