IMF cho rằng chính phủ của quốc gia Nam Mỹ này cần đẩy mạnh các sáng kiến cho phép tích lũy thêm dự trữ quốc tế, nhằm hỗ trợ chính sách tiền tệ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, vốn đang trên đà tăng trưởng "rất vững chắc” trong năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Nhóm làm việc của IMF do Phó Giám đốc phụ trách Tây bán cầu Julie Kozack đứng đầu nhất trí về việc Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández "đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc phát triển thị trường vốn trong nước, tăng cường hiệu quả chi tiêu công và cải thiện hoạt động chính sách tiền tệ".
Khi đề cập đến triển vọng tăng trưởng, lạm phát và cán cân thanh toán của Argentina, các chuyên gia IMF đánh giá cao quá trình phục hồi kinh tế và đầu tư của quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay. Cùng với đó, IMF cũng đề cập đến tầm quan trọng của khung chính sách do Chính phủ Argentina đưa ra nhằm duy trì sự phục hồi kinh tế bền vững, cũng như cải thiện các điều kiện xã hội và việc làm trong dài hạn.
Trong khi đó, người phát ngôn của văn phòng Tổng thống Argentina Gabriela Cerruti đánh giá tích cực những tuyên bố do IMF đưa ra, đồng thời khẳng định hai bên đang “đi cùng một hướng” trong việc cùng nhau đạt được một thỏa thuận cuối cùng trong thời gian tới.
Argentina đang tìm cách thay thế khoản vay tín dụng dự phòng 57 tỷ USD có giá trị trong 3 năm mà chính phủ của cựu Tổng thống Mauricio Macri đã ký với IMF hồi giữa năm 2018, trong đó 44 tỷ USD đã được giải ngân, bằng một chương trình mở rộng, trong đó cho phép hoãn và gia hạn thời hạn thanh toán.
Trong thỏa thuận đang có hiệu lực, Chính phủ Argentina buộc phải thanh toán các gói đến hạn trong năm 2022 và 2023 với tổng số tiền lên tới trên 19 tỷ USD mỗi năm và gần 5 tỷ USD nữa sẽ phải thanh toán vào năm 2024. Trong năm 2021, Argentina đã thanh toán hơn 1,3 tỷ USD tiền lãi và 1,9 tỷ USD tiền khấu hao vốn.