Tuy nhiên, tình hình suy giảm ở các nền kinh tế châu Á nhìn chung vẫn "nhẹ" hơn các nền kinh tế ở nhiều khu vực khác.
Là quốc gia đầu tiên khởi phát dịch và cũng là nơi đầu tiên trên thế giới nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục hoạt động kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trong báo cáo của IMF ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Cụ thể, nhờ các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại từ tháng 4 và số ca nhiễm mới được hạn chế ở mức tối thiểu, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 1% (thấp hơn 0,2 điểm % so với mức dự báo được IMF đưa ra hồi tháng 4). Đến năm 2021, kinh tế Trung Quốc sẽ bứt tốc để đạt mức tăng trưởng 8,2%, thấp hơn 1 điểm % so với dự báo trước đó.
Nền kinh tế thứ 3 thế giới là Nhật Bản được dự báo sẽ suy giảm 5,8% trong năm 2020, sâu hơn 0,6 điểm % so với dự báo hồi tháng 4. Báo cáo mới của IMF cũng chỉ ra nền kinh tế hàng đầu châu Á này sẽ hồi phục dần và đạt mức tăng trưởng khoảng 2,4% , thấp hơn 0,6 điểm % so với dự báo trước đó.
Một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Hàn Quốc cũng sẽ suy giảm 2,1% trong năm 2020, sâu hơn đáng kể so với dự đoán suy giảm 1,2% đưa ra hồi tháng 4 và đáng thất vọng hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,2% mà IMF dự báo hồi tháng 1.
IMF hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc trong bối cảnh các hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều cho rằng Hàn Quốc sẽ trải qua năm đầu tiên suy giảm kinh tế kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tác động tới quốc gia này. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc cũng được cho là sẽ tiếp tục "ngấm đòn" sâu hơn do đại dịch làm gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn cầu và khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Đông là Saudi Arbia được dự báo sẽ suy giảm khoảng 6,8% trong năm 2020, đẩy quốc gia xuất khẩu dầu mỏ vào một kịch bản tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng dư cung dầu mỏ những năm 1980. Đây được cho là hậu quả của 2 "gọng kìm" kẹp chặt nền kinh tế Saudi Arbia là đại dịch COVID-19 và tình trạng giá dầu lao dốc. Mức dự báo mới hạ tới 4,5 điểm % so với mức dự báo được IMF đưa ra cách đây 2 tháng, phản ánh tính trạng "lao dốc không phanh" mà nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ này đang trải qua.
Tăng trưởng toàn bộ khu vực Trung Đông và Trung Á được dự báo suy giảm khoảng 4,7% trong năm 2020, sâu hơn 1,9 điểm % so với mức dự báo trước. Năm 2021, nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 3,3%, thấp hơn 0,7 điểm % so với dự báo trước. IMF cũng giữ nguyên mức dự báo giá dầu ở 36 USD/thùng được đưa ra hồi tháng 4. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khu vực, gồm các quốc gia Arab, Iran và các nền kinh tế Trung Á vốn phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ.
Iran, nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực sẽ suy giảm 6% trong năm 2020. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế Iran suy giảm trong bối cảnh Mỹ gia tăng trừng phạt nhằm buộc Tehran trở lại bàn đàm phán sửa đổi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Điểm sáng duy nhất của khu vực là nền kinh tế Ai Cập với mức dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020, nhưng con số này vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,6% mà quốc gia này đạt được năm 2019.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,9% trong năm 2020, trong đó các nền kinh tế lớn ở châu Âu, châu Mỹ và Nam Phi đều sẽ suy giảm ở những mức độ sâu hơn so với các nền kinh tế châu Á. Cụ thể, năm 2020, Mỹ được dự báo suy giảm 8%, khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 10,2%, khu vực Mỹ Latinh và Caribbe suy giảm 9,4% hay nền kinh tế hàng đàu châu Phi là Nam Phi cũng sẽ suy giảm tới 8%.