Bao gồm 24 bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, IMFC cho rằng các chính phủ nên điều chỉnh cẩn trọng các chính sách trong nước trước những diễn biến mới của đại dịch COVID-19.
Theo IMFC, cơ quan này sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho y tế và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời chuyển trọng tâm từ ứng phó với khủng hoảng sang thúc đẩy tăng trưởng và duy trì tính bền vững của tài khóa trong dài hạn.
Mối lo ngại về lạm phát, do nhu cầu gia tăng, vấn đề tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, giá năng lượng và hàng hóa cao hơn và các hiện tượng thời tiết cực đoan là chủ đề tranh luận sôi nổi tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thường niên mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này.
Các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với câu hỏi về đà tăng của lạm phát khi các quốc gia giàu có đang trong quá trình phục hồi, còn các nền kinh tế đang phát triển vật lộn với các biến thể gây dịch COVID-19, khả năng tiếp cận vaccine thấp và thiếu nguồn lực. IMF cảnh báo việc thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột ở Mỹ hoặc châu Âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền chảy khỏi các nước đang phát triển.
Magdalena Andersson, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, thành viên hội đồng IMFC, nhấn mạnh cần có nhiều sáng kiến hơn để giảm bớt tình trạng thiếu hàng hóa trên toàn cầu. Điều quan trọng là làm cho các chuỗi giá trị toàn cầu hoạt động tốt hơn hiện nay.
Tại hội nghị mùa Thu của IMF và WB ngày 12/10, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), trong đó cho rằng những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá cả đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo trên, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng Bảy, và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.