Trong dự báo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực này, IMF ước tính các nền kinh tế khu vực MENA sẽ suy giảm 5% trong năm 2020, nhẹ hơn mức 5,7% từng được đưa ra trong dự báo trước đó. Theo dữ liệu của WB, khu vực này sẽ trải qua thời kỳ kinh tế ảm đạm nhất tính từ năm 1978 khi kinh tế khu vực suy giảm 4,7% chủ yếu do tình trạng bất ổn.
Kể cả trước khi dịch bệnh xảy ra, các nền kinh tế thuộc thế giới Arab như Syria, Yemen, Iraq và Libya đều đã bị tàn phá nghiêm trọng sau nhiều năm tháng chìm trong xung đột triển miên, kéo theo là tình trạng nghèo đói lan rộng. Trong khi đó, các dữ liệu của WB cho thấy tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tại khu vực này cũng ở mức 26,6%. Khủng hoảng thêm trầm trọng khi đại dịch xuất hiện khiến các quốc gia trong khu vực- vốn phụ thuộc nguồn thu từ dầu mỏ - kể từ tháng 3 vừa qua đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm trên diện rộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, làm các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.
Giá dầu giảm mạnh do nhu cầu thế giới hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh cũng gây thêm áp lực cho các nền kinh tế trong khu vực. Theo IMF, trung bình giá dầu dự kiến mở mức 41,69 USD/thùng trong năm 2020 và 46,7 USD/thùng năm 2021, giảm đáng kể so với mức trung bình từ 57-64 USD/thùng trong năm 2019. Trong tình thế này, kinh tế của những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ sẽ suy giảm khoảng 6,6% trong khi kinh tế của các quốc gia nhập khẩu sẽ suy giảm khoảng 1% vì đại dịch khiến các ngành du lịch và thương mại đình đốn.
Giám đốc IMF khu vực MENA Jihad Azour cho rằng tình hình hiện tại đòi hỏi các quốc gia phải hành động và đây cũng nên được coi là cơ hội để thúc đẩy cải cách nền kinh tế, tạo nhiều cơ hội hơn, đặc biệt là cho giới trẻ. Không chỉ tăng trưởng kinh tế mà cả tình trạng thất nghiệp cũng sẽ chịu tác động trong năm 2020 và nhìn chung cuộc khủng hoảng này sẽ khiến kinh tế suy giảm 5% trong khi thất nghiệp tăng 5%. Quan chức IMF cũng nhấn mạnh khu vực này đang ở thời điểm quan trọng khi những hy vọng rằng một loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả sẽ khai mở xu hướng phục hồi bền vững nhưng cũng vẫn tồn tại những thách thức với nguy cơ thường trực về làn sóng thứ 2 lây nhiễm dịch bệnh tại đây.