Sáng kiến DSSI, được G20 khởi xướng từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, theo đó cho phép hoãn thanh toán nợ đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021 sau khi được gia hạn 1 năm.
Bà Georgieva khuyến khích các nước đưa ra đề xuất cứu trợ trong "Khuôn khổ Chung" (Common Framework) đã được G20 ủng hộ tháng 11/2020 để các nước trong diện được áp dụng sáng kiến DSSI có thể tiếp tục được hoãn nợ. Bà nhấn mạnh: "Cần đẩy nhanh việc thực thi Khuôn khổ Chung của G20 về giải quyết nợ". Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh "trong tình huống cấp bách này, không thể yêu cầu các quốc gia dễ bị tổn thương lựa chọn giữa thanh toán nợ và cung cấp dịch vụ y tế trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Sáng kiến DSSI đề xuất trả nợ theo một thời gian biểu cụ thể sau thời gian hoãn nợ, trong khi Khuôn khổ Chung linh hoạt hơn với việc xác định thời gian trả nợ tùy hoàn cảnh riêng của từng nước.
Bài viết của bà Georgieva được đăng trên trang blog của IMF chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome (Italy).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 40 quốc gia đã được hỗ trợ trong khuôn khổ DSSI với tổng trị giá 5 tỷ USD kể từ khi sáng kiến có hiệu lực vào tháng 5/2020. Tháng trước, Chủ tịch WB David Malpass khuyến nghị thực hiện một "kế hoạch toàn diện" giải quyết gánh nặng nợ cho các nước thu nhập thấp, khi số nợ đã tăng 12% lên tới con số kỷ lục 860 tỷ USD vào năm 2020. Ông Malpass cho rằng DSSI "chưa đủ rộng" và kêu gọi thế giới nên cân nhắc điều cần làm sau tháng 1/2022, trong đó có một kế hoạch giãn nợ.