IMF nhận định châu Á sẽ phải đối mặt với triển vọng lạm phát đình trệ

Giống như phần còn lại của thế giới, các nước châu Á cũng đang chịu những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó giá cả leo thang, còn tăng trưởng bị kìm hãm. Nhận định trên được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngày 25/4.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, bà Anne-Marie Gulde-Wolf, quyền Giám đốc Văn phòng IMF tại châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh châu lục này đang phải đối mặt với triển vọng lạm phát đình trệ, với tăng trưởng thấp hơn dự kiến và lạm phát cao hơn. Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tuần trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Trong khi đó, lạm phát tại châu Á được cho là sẽ tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự kiến đưa ra hồi tháng 1.

Tuy nhiên, theo bà Gulde-Wolf, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và là nguồn quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. 

Bên cạnh đó, quan chức IMF cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, đã đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu "phi mã" trên toàn thế giới, trong khi các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát  - vốn gây áp lực đối với những nước có mức nợ cao.

Theo quyền Giám đốc Văn phòng IMF tại châu Á-Thái Bình Dương, hiện là thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách khi phải giải quyết áp lực đối với tăng trưởng và đối phó với lạm phát tăng cao và "những cơn gió ngược" này có thể khiến thiệt hại từ đại dịch COVID-19 lớn hơn nữa. Bà Gulde-Wolf cho biết triển vọng kinh tế của các nước trong châu Á không giống nhau, tùy vào mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu và mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, theo đó tăng trưởng kinh tế của các quốc đảo Thái Bình Dương giảm mạnh, trong khi Australia lại có thể chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ. Do đó, các chính phủ cần phản ứng mạnh mẽ hơn, bắt đầu cứu trợ có mục tiêu đối với các gia đình nghèo, vốn bị thiệt hại nặng nề nhất do giá cả tăng cao hơn.

Lạm phát đình trệ là hiện tượng chỉ việc tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả hàng hóa tăng phi mã (lạm phát).

 

Ngọc Hà (TTXVN)
IMF cảnh báo về ‘công cụ đặc biệt’ có thể giúp Nga ‘né’ lệnh trừng phạt
IMF cảnh báo về ‘công cụ đặc biệt’ có thể giúp Nga ‘né’ lệnh trừng phạt

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khai thác tiền điện tử có thể cho phép các quốc gia bị trừng phạt tránh các hạn chế này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN