Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ Cơ chế chống sốc lương thực (Food Shock Window) sẽ cung cấp thêm khả năng tiếp cận nguồn tài chính khẩn cấp "để giúp người dân tại các quốc gia dễ tổn thương ứng phó với một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất đó là nạn đói". Cơ chế này sẽ được triển khai trong vòng 1 năm, cung cấp những hỗ trợ bổ sung sau các khoản tài trợ và nguồn vốn ưu đãi.
Bà Georgieva nhấn mạnh những cú sốc khí hậu, xung đột và đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và phân phối lương thực, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Cuộc xung đột tại Ukraine còn đẩy giá lương thực và phân bón tiếp tục tăng mạnh. Hệ quả là một cuộc khủng hoảng lương thực đang lan rộng trên toàn cầu, theo đó đời sống và sinh kế của 345 triệu người - một con số cao kỷ lục - đang bị đe dọa do tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Cơ chế cho vay mới của IMF nằm trong khuôn khổ 2 chương trình viện trợ khẩn cấp do IMF thiết lập nhằm giúp các quốc gia ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 gồm Công cụ tín dụng nhanh (Rapid Credit Facility) cho các quốc gia nghèo nhất vay không lãi suất kỳ hạn lên tới 10 năm và Công cụ Hỗ trợ tài chính nhanh (Rapid Financing Instrument) cho các nước giàu hơn vay và phải hoàn trả thời hạn tối đa 5 năm.
Trong một bài đăng trên trang blog, Tổng Giám đốc Georgieva cho rằng cơ chế cho vay mới của IMF có thể được sử dụng tại những nơi mà các khoản tài trợ và những khoản cho vay ưu đãi của các đối tác không đủ, hoặc không thể thực hiện được chương trình do IMF hỗ trợ.