Theo trang thenationalnews.com, trong suốt một tuần, các giám đốc ngân hàng, bộ trưởng tài chính, nhà kinh tế, học giả, giám đốc điều hành phát triển và đại diện xã hội dân sự… sẽ thảo luận về các vấn đề đang ảnh hưởng đến thế giới. Họ sẽ tìm kiếm giải pháp cho các mối quan ngại toàn cầu dai dẳng như xóa đói giảm nghèo và nhu cầu hỗ trợ phát triển cho các quốc gia khó khăn nhất.
Các cuộc họp mùa xuân của IMF và WB thường có nhiều thành phần tham gia liên quan với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, có một khối lượng nhiệm vụ khổng lồ mà họ phải đối mặt năm nay trong bối cảnh các dự báo kinh tế bi quan. Các cuộc họp đang diễn ra vào thời điểm mà triển vọng kinh tế toàn cầu ở mức khiêm tốn nhất.
Mới tuần trước, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, nói rằng dự báo khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến, trong đó có cả Mỹ và khu vực đồng euro, sẽ có tốc độ tăng trưởng giảm trong năm nay do lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, bà Georgieva nói thêm rằng có lý do để lạc quan ở châu Á, nhất là ở Trung Quốc - quốc gia cùng với Ấn Độ dự kiến chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023.
Xu hướng tích cực ở các quốc gia này là không thể phủ nhận, nhưng nhìn chung xu hướng trên toàn cầu vẫn là thận trọng.
Tâm lý thận trọng trong giới ngân hàng là điều không có gì ngạc nhiên khi họ vẫn cảnh giác, nhất là khi xét đến tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ trong quý đầu tiên của năm nay. Điển hình là vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ và vụ ngân hàng UBS vội vã tiếp quản Credit Suisse ở Thụy Sĩ.
Theo bà Georgieva, mặc dù triển vọng của một số khu vực ở phía Đông và Trung Đông được cải thiện, nhưng dự báo tăng trưởng toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong trung hạn kể từ năm 1990 và có thể sẽ ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới. Nợ là mối quan tâm lớn của hàng chục quốc gia, từ Liban đến El Salvador.
Thực tế đáng buồn này có một phần nguyên nhân không nhỏ là do “vết sẹo” sau đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Tương tự, khi trình bày dự báo năm 2023, các nhà kinh tế tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhắc lại rằng triển vọng có phần tốt hơn dự kiến nhưng vẫn giảm.
Cho dù IMF và WB đóng vai trò không thể phủ nhận trong quá trình mở rộng nền kinh tế toàn cầu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng vị thế thống trị của hai tổ chức này đã khuyến khích một số quốc gia ở phía Đông và Nam bán cầu tự thảo luận về ý tưởng phi đô la hóa và một “Quỹ tiền tệ châu Á”.
Những thách thức phía trước là rất lớn. Khi môi trường tài chính hậu đại dịch COVID-19 tiếp tục mong manh, vẫn còn phải xem các nhà lãnh đạo kinh tế tại hội nghị mùa xuân tuần này sẽ làm thế nào để đàm phán về thực tế phức tạp hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột địa chính trị lớn. Kết quả của các cuộc họp này có thể không chỉ quyết định vai trò của hai thể chế hùng mạnh IMF và WB trong một trật tự thế giới đang thay đổi, mà còn có thể quyết định tương lai của hệ thống kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó ngày 12/4 (giờ địa phương), hãng tin Reuters cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn về các bước tiếp theo để thúc đẩy WB và ngân hàng khác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng toàn cầu ngoài việc mở rộng khoản vay 5 tỷ USD hàng năm của WB.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết cuộc thảo luận bên lề các cuộc họp mùa xuân nói trên sẽ bàn cách thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa phương, sao cho họ có thể đáp ứng tốt hơn những thách thức hiện tại.
WB đã đề xuất những thay đổi trong bảng cân đối kế toán để nhanh chóng cho phép ngân hàng này cho vay thêm 50 tỷ USD trong vòng 10 năm mà vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm AAA. Đây là một bước mà các cổ đông của WB dự kiến áp dụng rộng rãi trong tuần này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jay Shambaugh nhận định rằng những cải cách này là bước chuyển đổi hiếm khi lặp lại và gọi các kế hoạch của WB là “khoản trả trước” cho những cải cách sẽ được tăng cường dần dần và mở rộng sang các ngân hàng phát triển đa phương khác.