Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới - sự kiện thường niên quy tụ lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel kể từ tháng 10/2023 đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nếu xung đột càng kéo dài thì càng gây ra thêm nhiều hệ lụy lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế thế giới. Bà Georgieva viện dẫn hệ quả trước mắt là hoạt động vận tải hàng hải qua Kênh đào Suez đã sụt giảm trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen liên tiếp tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ dẫn đến tuyến hàng hải quan trọng này.
Cũng tại sự kiện trên, Chủ tịch WB Ajay Banga cho rằng những gì đang diễn ra ở Dải Gaza và Biển Đỏ đặt ra thách thức to lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới. Ông Banga cho rằng cần kiểm soát những vấn đề địa chính trị thế giới gây bất ổn để đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế mà ông cho rằng có thể đang ở mức thấp nhất trong vòng 55 năm qua.
Houthi tuyên bố các cuộc tấn công như vậy nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân Palestine ở Dải Gaza. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, nhiều các công ty vận tải biển phải chuyển hướng vận tải hàng hóa, yêu cầu các tàu chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.
Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố báo cáo cho biết lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua Kênh đào Suez đã giảm 45% trong 2 tháng kể từ khi xảy ra các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Kênh đào Suez xử lý 12-15% thương mại toàn cầu và 25-30% lưu lượng container.
UNCTAD cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao hơn, an ninh lương thực không chắc chắn và gia tăng khí thải nhà kính khi cước phí vận tải tăng do các tàu chở hàng điều chỉnh tuyến đường đi để tránh nguy cơ bị tấn công, kéo theo đó hành trình dài hơn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.