Theo trang Bloomberg, Indonesia đang hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển và xây dựng thủ đô mới.
Dẫn lời một quan chức cấp cao phụ trách dự án, 80% ngân sách tài trợ cho dự án 34 tỷ USD thu được từ các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Các cuộc thảo luận với những nhà đầu tư đang diễn ra và chính phủ cân nhắc phát hành trái phiếu sau này.
Giai đoạn 1 của dự án với chi phí khoảng 50.000 tỷ rupiah (tương đường 3,4 tỷ USD) sẽ được giải ngân hoàn toàn bởi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2022-2024. Khoản chi tiêu cần thiết để chuyển Chính phủ Indonesia khỏi thủ đô Jakarta được công bố trong bối cảnh ngân hàng trung ương của quốc gia này dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, những lo ngại về tình trạng ách tắc giao thông và quá tải ở Jakarta, cùng với thực tế là thành phố đang chìm xuống, đã thúc đẩy Tổng thống Indonesia Joko Widodo thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, việc chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta cũng đem đến những lợi ích về mặt chính trị và kinh tế. Đảm nhận nhiệm vụ chuyển thủ đô đến một khu vực ở đảo Borneo sẽ là một thành tựu to lớn trong di sản chính trị của Tổng thống Widodo.
Quan trọng hơn, động thái này còn báo hiệu tham vọng của Indonesia trở thành một cường quốc kinh tế, đồng thời mang cuộc sống thịnh vượng hơn cho trên 267 triệu người dân.
Giai đoạn xây dựng đầu tiên của thành phố Nusantara sẽ bao gồm phần lớn các tòa nhà chính phủ cũng như trường học, bệnh viện và các tiện ích giải trí như trung tâm mua sắm. Mục tiêu là có khoảng 1,7 triệu đến 1,9 triệu người cư trú tại Nusantara vào năm 2045.
Theo ông Susantono, Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thủ đô Nhà nước mới (IKN) Nusantara, mật độ đô thị là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc sau đại dịch COVID-19. Virus SARS-CoV-2 đã buộc các nhà quy hoạch trên toàn thế giới phải suy nghĩ lại về các giải pháp đô thị - từ nhu cầu giải phóng mặt bằng nhà ở đến hệ thống lưu thông khí trong các tòa nhà. Không chỉ vậy, những lo ngại trước đại dịch như biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại.
Giữa những lời chỉ trích cho rằng sự phát triển của Nusantara có thể đe dọa một trong những khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất thế giới ở Borneo, các nhà chức trách cho biết thành phố cố gắng tận dụng năng lượng tái tạo, dành 10% diện tích đất để sản xuất lương thực và đảm bảo 80% người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng, đạp xe hoặc đi bộ. Để đạt được những mục tiêu dài hạn đó, Indonesia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khu vực tư nhân và huy động vốn từ cộng đồng.