Phát biểu trước báo giới, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nêu rõ chương trình trên nằm trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau) do tư nhân tài trợ. Mỗi người nước ngoài phải trả 700.000 Rupiah (gần 49 USD) cho một liều vaccine nếu muốn tiêm phòng. Loại vaccine được sử dụng cho chương trình này là vaccine của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc.
Thống đốc Anies cho biết thêm số lượng người nước ngoài tạm trú tại Indonesia khá lớn. Chính quyền thành phố Jakarta cam kết cung cấp 1.000 liều vaccine mỗi ngày cho các đối tượng này và hiện có 356 người đăng ký tiêm.
Chương trình này được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho những người nước ngoài không thể tiêm chủng tại các đại sứ quán. Để tham gia chương trình tiêm chủng Gotong Royong có tính phí, người nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu và thẻ cư trú tạm thời (KITAS), đồng thời đăng ký trước qua trang web của Kadin.
* Ngày 24/8, Chính phủ Ấn Độ cho biết vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm nội địa Gennova Biopharmaceuticals điều chế đã cho kết quả an toàn trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Đây cũng là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA được phát triển trong nước.
Các quan chức chính phủ Ấn Độ cũng đã phê duyệt các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá hiệu quả của vaccine này trên diện rộng hơn. Vaccine mRNA truyền tín hiệu để các tế bào của cơ thể con người tạo ra một loại protein - hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein – và protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người, tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh.
Hãng Gennova lên kế hoạch tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai tại khoảng 10-15 địa điểm và giai đoạn thử nghiệm cuối cùng tại 22-27 địa điểm ở Ấn Độ. Việc phát triển vaccine của hãng được Chính phủ Ấn Độ tài trợ một phần và hoạt động này sẽ sử dụng mạng lưới thử nghiệm lâm sàng theo quy định của Cục công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ.
Hiện nay, Gennova cũng đang đầu tư vào việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine của hãng. Tuần qua, công ty mẹ của Gennova là Emcure Pharmaceuticals đã nộp các bản thảo tới cơ quan quản lý thị trường chuẩn bị cho đợt chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO).
* Cùng ngày, Hy Lạp tuyên bố ngừng xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho những người chưa tiêm chủng để tăng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Âu này đang nỗ lực ngăn ngừa các đợt bùng phát mới nào do biến thể Delta gây ra.
Hy Lạp đã ghi nhận 13.422 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 2/2020.
Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực vào ngày 13/9 tới, trong đó quy định dừng việc bắt buộc mọi người phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, song cũng ngừng xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho những người chưa tiêm chủng. Tùy thuộc vào công việc, những người này sẽ phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 một hoặc hai lần mỗi tuần. Chi phí xét nghiệm nhanh là 10 euro (12 USD).
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Vassilis Kikilias nhấn mạnh tất cả những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ vẫn được xét nghiệm sàng lọc miễn phí. Giới chức sở tại cho biết khoảng 6 triệu người ở quốc gia 11 triệu dân này đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine ngừa COVID-19 (khoảng 53% dân số đã tiêm đủ liều), song vẫn cần chủng ngừa cho thêm một triệu người nữa để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.