Ngày 9/7, người dân Indonesia đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới. Trong tổng dân số hơn 240 triệu người của đất nước "Vạn Đảo", trên 190,3 triệu cử tri tuổi từ 17 trở lên sẽ thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân của mình trong cuộc bầu cử lần này.Ứng cử viên Prabowo Subianto trong cuộc vận động tranh cử tại Banyumas ngày 2/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
Do đặc điểm địa lý, cuộc bỏ phiếu bắt đầu diễn ra tại khu vực các đảo xa xôi miền Đông Indonesia vào 8h sáng giờ địa phương, sớm 2 giờ so với các vùng miền khác của đất nước, và dự kiến kết thúc ở khu vực miền Tây đông dân cư cách đó 3 múi giờ.
Hai ứng cử viên Joko Widodo - cựu Thống đốc Jakatar, 53 tuổi, và Prabowo Subianto - cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, 63 tuổi, tranh cử cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Theo các kết quả thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử, hai ứng cử viên này nhận được tỷ lệ ủng hộ gần ngang nhau.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ ba trong lịch sử Indonesia. Cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo đất nước một nhiệm kỳ 5 năm tới này được đánh giá là rất quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển đất nước “Vạn Đảo” trong thế kỷ 21 - thế kỷ được coi là của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà trong đó Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, có dân số đông thứ tư thế giới và có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Joko, ứng cử viên của liên minh 5 đảng do đảng Dân chủ Indonesia-Đấu tranh (PDI-P) đứng đầu, đã chọn cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla đồng thời là chủ tịch đảng Golkar lớn thứ 2 ở Indonesia làm người liên danh tranh cử. Trong khi đó, ông Prabowo, thuộc liên minh 6 đảng do đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) đứng đầu, chọn cựu Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Hatta Rajasa và là chủ tịch đảng Quốc gia Ủy nhiệm (PAN) liên danh tranh cử.
Theo lịch trình, kết quả bầu cử chính thức sẽ do Ủy ban bầu cử Indonesia (KPU) công bố vào ngày 21-22/7, sau đó các tranh cãi về kết quả nếu có sẽ được đưa lên Tòa án Hiến pháp Indonesia từ ngày 23 đến 25/7. Tân Tổng thống dự kiến nhậm chức vào ngày 20/10.
TTXVN/Tin Tức