Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 22/8, Bộ trưởng Indrawati khẳng định tăng trưởng âm sẽ được ghi nhận trong quý III và IV. Trong năm tới, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt 4,5-5,5% với dự báo trung bình là 5%. Tuy nhiên, tất cả điều này còn phụ thuộc vào dự báo về tình hình COVID-19 và cách đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Bộ trưởng Indrawati cho biết dự báo tăng trưởng của cả năm nay sẽ nằm trong khoảng -1,7% đến -0,6%. Trong đó, nền kinh tế Indonesia vẫn đạt mức tăng trưởng dương 2,97% trong quý I song bắt đầu tăng trưởng âm từ quý II với mức giảm -5,32%.
Tuy nhiên, bà Indrawati lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ trở lại mức dương trong năm 2021, đạt từ 4,5% đến 5,5%. Bà Indrawati cho biết để ứng phó với các tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế, Chính phủ Indonesia đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đặc biệt nhằm duy trì và phục hồi y tế, các điều kiện kinh tế-xã hội của người dân và các doanh nghiệp.
Indonesia cũng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia nhằm ngăn chặn đà sụt giảm sâu hơn và khôi phục cung cầu, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và sản xuất. Những động thái này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý III và quý IV/2020 nhằm duy trì tăng trưởng dương trong cả năm nay.
Gói ngân sách phục hồi kinh tế quốc gia năm 2021 sẽ có tổng kinh phí 356.200 tỷ rupiah, trong đó 25.400 tỷ rupiah cho lĩnh vực y tế, 110.200 tỷ rupiah cho công tác bảo trợ xã hội, 136.700 tỷ rupiah hỗ trợ cho các bộ ngành, 48.400 tỷ rupiah hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, 20.400 tỷ rupiah dành cho khuyến khích kinh doanh, và 14.900 tỷ rupiah hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước.
* Trong khi đó, tại Malaysia, kết quả khảo sát mới nhất của Tập đoàn RAM (Malaysia) cho thấy Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại quốc gia Đông Nam Á này trong quý 3/2020 chỉ đạt 33,7 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50 điểm.
Phóng viên TTXVN tại Malaysia dẫn lời ông Koong Lin Loong, Chủ tịch Ủy ban SMEs trực thuộc Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp người Hoa tại Malaysia (ACCCIM), các SMEs đang gặp phải khó khăn về vòng quay tiền mặt. Doanh thu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn còn cách xa mức trước khi xảy ra đại dịch và nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật điều chỉnh hoạt động để theo kịp những đòi hỏi và xu hướng mới trên thị trường.
Ông Koong Lin Loong cho rằng để giúp các SMEs vượt qua khó khăn, về mặt vĩ mô, chính phủ nên xúc tiến các dự án quy mô lớn, như dự án Bandar Malaysia chẳng hạn, vì điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế, tăng đầu tư nước ngoài và tạo thêm công ăn việc làm. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, điều quan trọng và thiết thực nhất là chính phủ nên gia hạn các chương trình cho vay ưu đãi. Nếu các chương trình này chấm dứt vào cuối tháng 9 theo đúng dự kiến, hàng loạt SMEs sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có đến 20% SMEs cỡ nhỏ tuyên bố sẽ đóng cửa nếu chính phủ không gia hạn chương trình ưu đãi vốn vay. Con số này là 8% ở các SMEs có quy mô lớn hơn.
Tập đoàn RAM khuyến nghị Chính phủ Malaysia cần tiếp tục quan tâm đến các SMEs, giúp họ vượt qua những khó khăn hiện nay. Sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ là rất quan trọng bởi SMEs chính là "xương sống" của nền kinh tế Malaysia.