Giờ đây, nó đã được “hô biến” thành một trung tâm cách ly người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, neo đậu tại thành phố cảng Makassar, trong bối cảnh biến thể Delta đang lan nhanh tại Indonesia.
Theo hãng tin Reuters, hơn 800 giường nằm đã được sắp xếp và có 60 nhân viên y tế làm việc theo ca để giúp người nhiễm virus phục hồi nhanh hơn.
Những người mắc COVID-19 sẽ phải cách ly 10 ngày. Trong thời gian đó, họ được kiểm tra y tế thường xuyên cũng như có thể tập thể dục, nghe nhạc, câu cá từ boong tàu.
“Tôi chọn cách ly trên tàu vì tôi nghĩ nó là độc nhất vô nhị ở Makassar này. Và vì con tàu đậu cách xa thành phố nên chúng tôi sẽ không lây virus cho người khác”, cô Mitha Andriyanti chia sẻ.
Indonesia – tâm dịch COVID-19 ở châu Á - đã triển khai các biện pháp hạn chế đi lại trên hai hòn đảo Java và Bali vào đầu tháng 7 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Kể từ đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng mở rộng biện pháp hạn chế sang các khu vực khác có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Điều này đã ảnh hưởng đến hơn 8,8 triệu người sống ở tỉnh Nam Sulawesi, nơi có thành phố Makassar. Makassar đã chứng kiến sự gia tăng ca mắc COVID-19 kể từ đầu tháng 7 và đang phải cố gắng cầm cự tình hình với nguồn cung cấp và cơ sở vật chất hạn chế.
Ông Mohammad Ramdhan Pomanto, Thị trưởng Makassar, hôm 12/8 cho biết: “Chúng tôi hôm nay ghi nhận ít nhất 3.000 người mắc COVID-19 không có triệu chứng đang tự cách ly tại nhà riêng và chúng tôi không thể kiểm soát hết được. Việc này rất nguy hiểm nên chúng tôi đã lập trung tâm cách ly nổi trên tàu Umsini nhằm theo dõi sát tình hình sức khỏe của người nhiễm virus”.