Đây là cơn bão số 2 trong 1 tuần qua đổ bộ vào quốc gia Đông Nam Á này, sau khi bão Seroja cướp đi sinh mạng của 163 người tại các tỉnh miền Đông.
Hiện lực lượng cứu hộ của Indonesia vẫn đang tìm kiếm người mất tích và thực hiện công tác cứu trợ tại các đảo ở thuộc tỉnh East Nusa Tenggara sau khi bão Seroja kéo theo mưa lớn đổ bộ vào khu vực này, gây lũ quét và lở đất ngày 4/4.
Người đứng đầu BMKG Dwikorita Karnawati cho biết bão Odette đang mạnh lên và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lampung trên đảo Sumatra, cũng như các tỉnh East Java và Central Java cùng đảo Bali. Bà cho biết thêm cơ quan chức năng nước này đã khuyến cáo người dân thận trọng trước diễn biến thời tiết cực đoan có thể xảy ra tại một số khu vực và cảnh giác trước nguy cơ ngập lụt, lũ quét và lở đất.
Bà Dwikorita Karnawati cho biết mặc dù được dự báo không có sức tàn phá như bão Seroja, bão Odette có thể khiến triều cường dâng cao tới 6m tại miền Nam Ấn Độ Dương gần Java và Bali, đồng thời hối thúc ngư dân đặc biệt cảnh giác.
Bão Seroja sau khi đổ bộ vào Indonesia đã làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà và buộc hơn 22.800 người phải đi lánh nạn. Theo cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, đến nay vẫn còn 45 người mất tích.
* Cùng ngày, quốc đảo Saint Vincent ở vùng Caribe đã ban bố lệnh sơ tán hàng nghìn người dân do núi lửa La Soufriere có dấu hiệu phun trào dung nham. Chính phủ nước này cũng đã huy động một số tàu du lịch làm nơi lánh nạn cho người dân sơ tán.
Thủ tướng Saint Vincent Ralph Gonsalves cho biết quốc đảo này đang trong tình trạng báo động đỏ sau khi các nhà khoa học giám sát núi lửa cảnh báo giới chức về hiện tượng dung nham đang trào ra khỏi bề mặt miệng núi lửa. Có khoảng 16.000 người đang sinh sống tại các khu vực báo động đỏ. Cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp Saint Vincent khẳng định nguy cơ thảm họa thiên tai đang rình rập.
Núi lửa La Soufriere đã không phun trào từ năm 1979. Lần phun trào mạnh nhất của núi lửa này diễn ra năm 1902, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.