Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn phát biểu họp báo trực tuyến của bà Dwikorita cho biết có khả năng xảy ra dư chấn với cường độ cao, thậm chí dư chấn có độ lớn 6,2 ngang trận động đất. Bà Dwikorita nói: "Tâm chấn của trận động đất nằm ngay khu vực bờ biển và có thể gây sạt lở đất ngầm dưới nước. Vì vậy, vẫn có khả năng xảy ra sóng thần nếu có một dư chấn khác". Bà Dwikorita cũng hối thúc người dân Majene tránh xa các tòa nhà cao tầng và sơ tán ngay lập tức khỏi các bãi biển trong trường hợp xảy ra dư chấn mà không cần chờ cảnh báo do sóng thần có thể ập đến rất nhanh.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện đã có ít nhất 34 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Các cơ quan chức năng cho biết có thể còn nhiều người đang bị vùi lấp trong các tòa nhà bị đổ. Tại bệnh viện ở thành phố Manuju, các nhân viên cứu trợ đang được huy động đến để tìm kiếm hàng chục bệnh nhân và nhân viên đang bị mắc kẹt bên dưới tòa nhà bị sập.
Trước đó, trận động đất có độ lớn 6,2 đã xảy ra tỉnh Tây Sulawesi, với tâm chấn ở độ sâu 10 km, cách thành phố Majene khoảng 6 km. Hàng nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn sau khi động đất làm ít nhất 60 ngôi nhà bị hư hại. Văn phòng thống đốc Majene, hai khách sạn, một trung tâm mua sắm và một số tòa nhà bị hư hại rất nặng. Ít nhất một tuyến đường vào Mamuju đã bị cắt đứt vì cầu bị phá hỏng.
Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết một loạt trận động đất đã xảy ra trong 24 giờ qua gây ra ít nhất 3 vụ lở đất, khiến nguồn cung cấp điện bị ngắt.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra động đất. Năm 2018, một trận động đất có độ lớn 6,2 độ dẫn tới sóng thần tại thành phố Palu, bang Sulawesi, làm hàng nghìn người thiệt mạng.