Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cao cấp này cho biết trong năm tới, Chính phủ cũng dự tính dành 37.000 tỷ rupiah (2,51 tỷ USD) cho chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm.
Hiện Chính phủ Indonesia đang quan tâm đến một số loại vaccine tiềm năng đang được phát triển. Trong đó, đầu tiên là vaccine Merah Putih (Đỏ và Trắng - đặt tên theo màu quốc kỳ) đang được Bộ Nghiên cứu và Công nghệ, và Viện Sinh học Phân tử Eijkman phát triển. Hai là loại vaccine đang được công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma hợp tác với Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Ba là loại vaccine do Tập đoàn 42 (G42) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phát triển.
Bộ trưởng Airlangga cho hay Indonesia có kế hoạch mua 290 triệu liều vaccine Sinovac trong năm tới và 30 triệu liều vaccine G42 trong năm nay. Ông cũng cho biết Bộ Y tế đã chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm tới.
Bên cạnh một số quốc gia như Brazil và Bangladesh, hiện vaccine Sinovac đang được PT Bio Farma, Sinovac cùng Đại học Padjadjaran (Unpad) tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên hơn 1.000 người tham gia tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java. Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm này sẽ kéo dài 6 tháng tại Bandung.
Chính phủ Indonesia cũng cho Viện Eijkman 12 tháng bắt đầu từ tháng 4 tới phát triển các nguyên mẫu vaccine đã được thử nghiệm trên động vật, trước khi trao cho Bio Farma để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Bio Farma đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vaccine Merah Putih vào năm 2022 sau khi được phê duyệt. Sản phẩm vaccine này dự kiến sẽ đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu trong nước.