Thông tin này được đưa ra sau khi Chính phủ Indonesia công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters (Anh), Bộ trưởng Brodjonegoro cho biết Chính phủ Indonesia sẽ triển khai dự án có kinh phí 571.000 rupiah (40 tỷ USD) nhằm cải tạo thành phố Jakatar trong 10 năm tới. Chi phí này nhiều hơn so với mức 33 tỷ USD để xây dựng thủ đô mới tại Đông Kalimantan.
Phần lớn kinh phí dự án nói trên sẽ được chi vào kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông công cộng như kéo dài tuyến đường ray của hệ thống tàu điện ngầm thành phố, thêm nhiều tuyến xe công cộng, cầu vượt và làn đường dành riêng cho xe buýt. Một phần của dự án mới do chính quyền thành phố Jakarta đệ trình sẽ mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước toàn thành phố để người dân không phải phụ thuộc vào nguồn nước ngầm. Chính phủ cũng sẽ cho phép xây dựng hệ thống thoát nước mới của thành phố.
Theo ông Brodjonegoro, hiện chỉ có 60% các khu vực trong thành phố có được hạ tầng cung cấp nước máy, buộc hàng triệu người dân cũng như nhiều doanh nghiệp phải đào giếng để khai thác nước ngầm, gây tổn hại tới môi trường. Hoạt động khai thác bừa bãi nước ngầm khiến nền đất Jakarta sụt lún và chìm dần dưới mực nước biển.
Ông Heri Andreas, chuyên gia trắc địa nghiên cứu về hiện tượng sụt lún tại Viện công nghệ Bandung, cảnh báo với tốc độ sụt lún hiện nay, đến năm 2050, khoảng 95% diện tích đất của Jakarta sẽ bị chìm dưới nước và lưu ý mọi công tác xây dựng có thể gây áp lực lên nền đất của thành phố. Chuyên gia này cho rằng Jakarta có thể được giải cứu nếu người dân ngừng hoàn toàn hoạt động khai thác nước ngầm.
Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người. Do địa thế thấp, thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần dưới mực nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm. Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Jakarta, ước tính mỗi năm gây thiệt hại kinh tế tới 7,04 tỷ USD.