Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Indonesia nghi ngờ thuyền viên nước này bị coi như nô lệ và ít nhất đã có 3 người tử vong khi làm việc trên tàu cá Trung Quốc.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 10/5 cho biết 49 thuyền viên nước này trong độ tuổi từ 19-24 đã buộc phải làm việc trung bình 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên 4 tàu cá Trung Quốc.
Bà Marsudi nói rằng một số thuyền viên thậm chí không được nhận thù lao hoặc tiền lương được thỏa thuận trước đó. Làm việc không ngừng nghỉ và tình trạng sinh sống thiếu thốn trên thuyền cá khiến các thuyền viên đổ bệnh. Ít nhất 3 thuyền viên Indonesia đã tử vong và thi thể của họ bị thủy táng trên biển Thái Bình Dương.
Bà Marsudi nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối cách đối xử vô nhân đạo với thuyền viên Indonesia làm việc cho công ty đánh bắt cá Trung Quốc. Dựa trên thông tin từ thủy thủ đoàn, công ty này đã vi phạm nhân quyền”.
Bà Marsudi cho biết hầu như tất cả thuyền viên Indonesia đều đã hồi hương sau khi cách ly bắt buộc để tránh lây lan COVID-19 tại một khách sạn ở thành phố Busan (Hàn Quốc) - nơi các tàu cá Trung Quốc cập cảng sau 13 tháng trên biển.
Ngày 5/5, một thuyền viên Indonesia chia sẻ với đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) về việc họ bị đối xử bất công khi làm việc trên tàu cá Trung Quốc. Đài MBC cũng phát hình ảnh cho thấy thi thể của thuyền viên Indonesia bị thủy táng từ trên tàu cá. Thuyền viên này cũng cho biết một số đồng nghiệp ốm hơn một tháng nhưng không được hỗ trợ y tế.
Nhóm luật sư đại diện cho các thuyền viên này cho biết họ nhận chưa đầy 300 USD cho cả năm làm việc, trong khi thỏa thuận trước đó là họ sẽ nhận 300 USD/tháng.
Ngoại trưởng Marsudi cho biết chính phủ Trung Quốc đã chú ý đặc biệt đến trường hợp này và giới chức hai quốc gia sẽ cùng điều tra về cáo buộc nhằm vào công ty đánh bắt cá Trung Quốc.