Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay chỉ thị nói trên được đưa ra xuất phát từ nhận định rằng dịch COVID-19 có khả năng còn tồn tại ở Indonesia trong một thời gian dài.
Ông Budi khẳng định trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong 6 lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.
Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm đảm bảo rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hàng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.
Theo ông Budi, Tổng thống Widodo đã quyết định rằng ứng dụng PeduliLindung hiện nay sẽ được phát triển thành nền tảng triển khai các quy định phòng dịch, bắt đầu trong tuần này, tại một số trung tâm thương mại với sự hợp tác của các hiệp hội ngành nghề.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Jakarta thông báo đã nâng mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 lên 11 triệu người, từ mức 8,8 triệu người trước đó.
Phó Thống đốc Jakarta - ông Ahmad Riza Patria cho biết việc nâng mục tiêu nói trên nhằm đảm bảo rằng tất cả người dân Jakarta đều được tiêm chủng. Theo ông Riza, mục tiêu mới hoàn toàn phù hợp với khả năng của chính quyền thành phố.
Sở Y tế Jakarta cho biết hiện thành phố này có thể cung cấp vaccine cho 100.000 người/ngày. Tính đến chiều 10/8, đã có 8.507.635 người dân thủ đô đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa COVID-19, trong khi 3.532.646 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
*Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Bangladesh ngày 10/8 đã bắt đầu tiêm chủng cho hàng nghìn người Rohingya tại trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Cox Bazar (Tây Nam nước này).
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các tổ chức nhân đạo từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa nếu dịch bệnh bùng phát trong các trại tị nạn ở Cox Bazar - khu vực biên giới hiện có hơn 1 triệu người Rohingya từ Myanmar tới để lánh nạn.
Theo người phụ trách y tế tại Cox Bazar - ông Mahbubur Rahman, chiến dịch tiêm phòng sẽ được triển khai đợt đầu từ ngày 10-12/8, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Trong đợt 1 này, khoảng 48.000 người Rohingya từ 55 tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng với vaccine của công ty Sinopharm (Trung Quốc). Các đợt tiếp theo sẽ được lần lượt tiến hành cho tới khi toàn bộ người Rohingya trưởng thành được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm ngoái, các trại tị nạn người Rohingya đã ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc bệnh và 200 trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Bangladesh cũng đang tìm mọi cách nhằm kiềm chế sự gia tăng đáng báo động của số ca mắc và tử vong do COVID-19 trong những tuần gần đây. Cho đến nay, quốc gia Nam Á này đã có tổng cộng 1,4 triệu ca mắc bệnh, trong đó gần 23.000 người đã tử vong.