Bộ Tài chính dự kiến sẽ dành 414.000 tỷ rupiah (2,89 tỷ USD) cho ba hạng mục chi gồm chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội và phục hồi kinh tế vào năm tới, thấp hơn 44,35% so với gói ngân sách năm nay với năm hạng mục chi.
Phát biểu họp báo trực tuyến hôm 25/11, Tổng cục trưởng Ngân sách Isa Rachmatarwata cho biết Bộ Tài chính Indonesia đã xác định một số hoạt động giúp tăng cường sự phục hồi kinh tế quốc gia.
Ban đầu, chính phủ đã phân bổ 699.000 tỷ rupiah để ứng phó với COVID-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm hồi tháng Bảy đã buộc chính phủ gia tăng gói ngân sách này và thay đổi các hạng mục chi tiêu ưu tiên trong bối cảnh số bệnh nhân nhập viện tăng vọt.
Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021, Chính phủ Indonesia đã giải ngân khoảng 495.770 tỷ rupiah, tương đương 66,6% gói ngân sách chống dịch COVID-19. Theo dự báo của Bộ Tài chính, 91-95% gói ngân sách sẽ được giải ngân vào cuối năm nay.
Chính phủ đã dành gần như toàn bộ gói ngân sách cho các ưu đãi kinh doanh, đặc biệt là để giảm thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thuế nhập khẩu cho các công ty. Hạng mục được giải ngân nhanh thứ hai là bảo trợ xã hội với 75,5% kinh phí đã được phân bổ, tiếp đó là chăm sóc y tế.
Tính chung, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021, chi tiêu ngân sách nhà nước đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước lên mức 2,05 triệu tỷ rupiah. Trong đó, chi tiêu của các Bộ, ngành trung ương tăng 14,8%, được thúc đẩy bởi các dự án cơ sở hạ tầng, mua vaccine, chữa trị COVID-19 và bảo trợ xã hội.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang được cải thiện, thu ngân sách từ thuế tăng 15,3%, qua đó giúp tổng thu ngân sách nhà nước tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước lên mức 1,51 triệu tỷ rupiah trong 10 tháng kể từ đầu năm nay.
Theo Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia (BPS), kết quả trên khiến thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 548.900 tỷ rupiah, chiếm 3,29% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm mạnh so với mức 4,67% vào cùng kỳ năm trước.