Indonesia đẩy mạnh kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta

Indonesia đang đẩy mạnh kế hoạch dời thủ đô hành chính từ Jakarta đến một địa điểm mới nằm dưới những cánh rừng trên đảo Kalimantan.

Chú thích ảnh
Những cánh rừng ở Bukit Soeharto có thể trở thành nơi sinh sống của hàng trăm ngàn viên chức Indonesia trong vài năm tới. Ảnh: CNA 

Từ cuối thập niên 1970, Tổng thống Indonesia khi đó là Suharto đã có chuyến đi dọc theo bờ biển Đông Kalimantan, một dải đất trù phú quanh đảo Borneo. Từ trên một ngọn đồi cao nhìn xuống, ông Suharto đã bày tỏ sự trầm trồ trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Ông có thể không bao giờ tưởng tượng được rằng, vài chục năm sau đó, cánh rừng bạt ngàn này có thể trở thành thủ đô mới của Indonesia.

Thủ đô Xanh và Thông minh

Theo kênh ChannelNewsAsia, Chính phủ Indonesia đã gần kết thúc giai đoạn nghiên cứu khả thi về việc di dời thủ đô hành chính của đất nước ra khỏi Jakarta. Theo xác nhận của Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Bambang Brodjonegoro với kênh CNA thì nơi đặt thủ đô mới sẽ được công bố trong năm nay.

“Nếu chúng ta có thể thực hiện điều đó, vào khoảng năm 2020, chúng ta có thể xúc tiến mọi công tác chuẩn bị, trong đó có lên kế hoạch và thiết kế chi tiết của thủ đô mới. Sau đó năm 2021, mọi hoạt động xây dựng sẽ được khởi công, và dự kiến vào 2024, chúng ta có thể bắt đầu những bước đi đầu tiên của việc di dời thủ đô”, ông Brodjonegoro nói.

Với ý tưởng di chuyển khỏi đô thị Jakarta quá đông đúc, Chính phủ Indonesia đang hướng tới những vùng đất mới còn nhiều hoang sơ. Khu vực Bukit Soeharto ở Đông Kalimantan đang là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua trở thành thủ đô mới của đất nước.

Chú thích ảnh
Những ứng cử viên cho địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia đều nằm trên đảo Kalimantan, trong khi Jakarta nằm trên đảo Java. Ảnh: CNA

Bất chấp những vấn đề về bảo vệ môi trường, Chính phủ Indonesia tuyên bố muốn xây dựng một thủ đô “xanh và thông minh” nằm ngay giữa những tán cây rừng.

“Nếu địa điểm này nằm quá gần khu vực rừng ở Kalimantan thì thiết kế thành phố sẽ giống như một ‘thành phố rừng xanh’. Thành phố sẽ thực sự làm sống lại cánh rừng được bảo vệ”, Bộ trưởng Bambang khẳng định. “Khẩu hiệu của thành phố sẽ là Thông minh, Xanh và Đẹp. Một thành phố xanh sẽ là trọng tâm kế hoạch của chúng tôi”.

Những thách thức và nghi ngờ

Tổng thống Joko Widodo đã coi xây dựng cơ sở hạ tầng là một ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, với các dự án trị giá hàng tỉ USD được đầu tư trên cả nước. Lịch trình của kế hoạch táo bạo di dời thủ đô được đưa ra trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà lãnh đạo Indonesia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại phía trước, với những tiếng nói chỉ trích và nghi ngờ về năng lực cũng như động cơ của chính phủ khi quyết định dời thủ đô.

Chú thích ảnh
Thủ đô Jakarta gánh chịu nạn tắc đường nghiêm trọng. Ảnh: CAN
Chú thích ảnh
Palangkaraya được thiết kế với nhiều đặc điểm giống Washington DC, để chuẩn bị cho cuộc chạy đua trở thành thủ đô mới. Ảnh: CNA 

Cho đến lúc này, động lực thôi thúc các nhà lãnh đạo Indonesia trong kế hoạch di dời thủ đô không chỉ là vấn đề kinh tế. Còn có một loạt các vấn đề khác xung quanh quyết định này. Đảo Java là trái tim của đất nước, là trung tâm của đảo quốc trải dài trên một khoảng cách còn lớn hơn cả chiều ngang của Tây Âu hay lục địa Bắc Mỹ.

Bộ trưởng Bambang cho rằng đã đến lúc Indonesia phải tự cứu mình. Thủ đô mới theo đề xuất sẽ tọa lạc trên đảo Kalimantan, trung tâm địa lý của đất nước, và dường như an toàn hơn trước các nguy cơ thảm họa thiên nhiên. Đây cũng là cơ hội cho những vùng đất “bị lãng quên” và người dân trên quần đảo.

“Chuyển thủ đô là một phần của chiến lược giảm bớt bất bình đẳng, đặc biệt là bất bình đẳng giữa Java và những khu vực bên ngoài Java. Gánh nặng của Java đã quá lớn, vì thế lúc này chúng ta hiểu rằng cần phải cứu Java”, ông Bambang nói. “Chúng tôi muốn đa dạng hóa. Chúng tôi muốn tạo ra những động lực tăng trưởng mới”.

Thủ đô Jakarta hiện đang đứng trước áp lực ngày càng tăng phải giải quyết các vấn đề sinh tồn cho thành phố trong những thập niên tới. Siêu thành phố này đang chìm dần, trong khi phải đối mặt với những vấn đề như dân số quá đông đúc, nạn kẹt xe và phân biệt giàu nghèo.

Xem video thực trạng Jakarta và triển vọng những vùng đất có thể trở thành thủ đô mới của Indonesia (Nguồn: CNA)

Tuy vậy, bà Elisa Sutanudjaja, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu đô thị Rujak nghi ngờ rằng việc di dời thủ đô khỏi Jakarta có thể dẫn đến bất cứ đổi thay quan trọng nào cho cư dân. Bà thậm chí còn không tin kế hoạch này sẽ thực hiện được.

“Sẽ mất quá nhiều nỗ lực, từ sửa đổi luật pháp nhằm đảm bảo vấn đề ngân sách. Với tôi, đây là một ví dụ tồi về đầu cơ đất đai”, bà Elisa thẳng thắn. “Cho dù di dời thủ đô, chính phủ cũng vẫn phải đối mặt với các vấn đề của Jakarta, bởi nhiều trong số đó được tạo ra do ảnh hưởng từ các chính sách của chính phủ”. Ông Ben Blad, Giám đốc Dự án tại Đông Nam Á của Viện Lowy (một tổ chức tư vấn chính sách quốc tế) cho biết, chiến lược chuyển thủ đô tỏ ra nghiêm túc, nhưng lộ trình và thông tin cần phải minh bạch hơn để thuyết phục được người dân Indonesia.

Hiện nay chi tiết của nghiên cứu khả thi về dự án vẫn được giữ bí mật, và cũng chưa có những cuộc thảo luận công khai.

Chuyên gia Ben Bland cho rằng Indonesia cần rút ra bài học từ những kinh nghiệm cả tốt và dở của các quốc gia khác đã từng hoặc có ý định di dời thủ đô, trong đó có Brazil, Myanmar, Malaysia và Ai Cập.

Một số nước đã thành công khi phi tập trung hóa được các thủ đô đông đúc, trong khi có những dự án bị bỏ dở, biến thành những thành phố ma.

Chú thích ảnh
Cư dân tại Palangkaraya tin tưởng thành phố của họ sẽ được lựa chọn làm thủ đô mới. Ảnh: CNA 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về tác động sinh thái, môi trường ghê gớm của việc di dời thủ đô. "Nếu một thành phố thủ đô mới được xây dựng ở đây, chức năng của khu rừng sẽ thay đổi. Việc phát triển các khách sạn, trung tâm mua sắm sẽ cần phải phá bỏ nhiều vùng đất rộng lớn. Chúng tôi phản đối kế hoạch này", ông Hafidz Prasetyo, nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức phi chính phủ Walhi ở Đông Kalimantan lên tiếng. "Tốt hơn là chính phủ nên suy nghĩ lại về kế hoạch. Hãy cân nhắc đến điều kiện và tương lai của rừng, vì sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác nữa".

Ý tưởng di dời thủ đô không phải là mới. Trên thực tế, đã có nhiều đề xuất dời thủ đô khỏi Jakarta trong lịch sử hiện đại của Indonesia. Tổng thống lập quốc Sukarno từng có ý định di dời thủ đô tới địa điểm mới từ thập niên 1950, ngay những năm đầu Indonesia giành được độc lập. Và tới những năm 1990, Tổng thống Suharto cũng muốn chuyển thủ đô tới một thành phố gần đó, cùng đảo Java.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Người dân đâm đơn kiện chính phủ Indonesia vì ô nhiễm
Người dân đâm đơn kiện chính phủ Indonesia vì ô nhiễm

Quá ngột ngạt với không khí ô nhiễm tại thủ đô Jakarta, một nhóm các nhà môi trường học đã quyết định kiện chính phủ Indonesia và yêu cầu cơ quan chức năng cần phải hành động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN