Người đứng đầu BMKG Dwikorita Karnawati giải thích nguyên nhân gây ra lũ quét tại khu vực chân núi Marapi, Tây Sumatra là do cường độ mưa quá lớn, tập trung trong thời gian ngắn, cùng với địa hình dốc. Thêm vào đó, dòng dung nham của núi lửa Marapi, tồn tại từ lâu do những lần phun trào trước đó, cũng góp phần khiến trận lũ thêm tồi tệ. Dù không còn nóng nữa, nhưng khi mưa lớn kéo dài, nước đã cuốn dung nham trở thành lũ bùn hay còn gọi là lũ dung nham lạnh.
Có 4 huyện của Tây Sumatra bị ảnh hưởng nặng nề do lũ quét ở khu vực núi Marapi, gồm Agam, Tanah Datar, Padang Panjang và Padang Pariaman. Lũ quét còn phá hủy các công trình giao thông và gây lở đất ở một số khu vực thuộc Thung lũng Anai. Tuyến đường chính nối Padang và Bukittinggi bị tê liệt hoàn toàn.
Chính quyền huyện Agam - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất đã quyết định ứng phó khẩn cấp với thảm họa trong 14 ngày (12-25/5). Trong thời gian ứng phó khẩn cấp, các nỗ lực sẽ tập trung vào việc tìm kiếm và sơ tán nạn nhân, sửa chữa nhà cửa của người dân. Hiện một số thiết bị hạng nặng đã được triển khai tới khu vực này để nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông.
Theo Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Truyền thông Thảm họa, thuộc Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia, tính đến 13h ngày 13/5, tổng số nạn nhân thiệt mạng do thảm họa lũ quét ở khu vực núi Marapi, Tây Sumatra đã lên tới 43 người. Trong số này, có 39 thi thể đã được xác định danh tính. Ngoài ra, hiện vẫn còn 17 người đang mất tích.