Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Semuel Abrijani Pangerapan - quan chức cấp cao thuộc Bộ Truyền thông Indonesia, cho biết việc truy cập vào các trang mạng xã hội đã trở lại bình thường.
Trước đó, ngày 22/5, Chính phủ Indonesia đã áp đặt các hạn chế này sau khi các cuộc biểu tình tại thủ đô Jakarta nhằm phản đối kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống, biến thành bạo loạn gây thương vong lớn.
Theo đó, các tính năng bị chặn bao gồm việc chia sẻ video và hình ảnh trực tuyến trên các ứng dụng phổ biến tại Indonesia trong đó có WhatsApp, Facebook, Instagram và Twitter.
Theo ông Pangerapan, Chính phủ Indonesia có kế hoạch siết chặt các quy định hiện hành nhằm ngăn chặn lan truyền các thông tin sai lệch trên mạng, như buộc toàn bộ các nền tảng truyền thông xã hội phải có trách nhiệm dỡ bỏ những thông tin giả và sai lệch.
Thống kê cho thấy ít nhất đã có 8 người thiệt mạng và trên 900 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa đám đông và cảnh sát trong các cuộc biểu tình vào ngày 21 - 22/5 sau khi kết quả kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống 2019 ở Indonesia được công bố.
Kết quả cho thấy, cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã nhận được 55,5% số phiếu ủng hộ, trong khi cặp 2 là ứng cử viên đối thủ Prabowo Subianto và Sandiaga giành được 44,5% số phiếu ủng hộ.
Cặp ứng cử viên Prabowo Subianto - Sandiaga Uno đã từ chối kết quả kiểm phiếu cuối cùng và quyết định nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp để bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử.