Người đứng đầu đội tìm kiếm, cứu hộ địa phương Djunaidi cho biết hoạt động này dừng lại do không có dấu hiệu cho thấy có thể tìm thấy thêm các nạn nhân. Ông cho biết công tác tìm kiếm cứu hộ có thể được nối lại nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của người sống sót.
Trước đó, ngày 26/5, phà KM Ladang Pertiwi hết nhiên liệu và bị chìm khi đang di chuyển qua eo biển Makassar ở tỉnh South Sulawesi.
Đến nay, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 31 hành khách và thủy thủ đoàn, tìm thấy 4 thi thể và trong khi 15 người vẫn mất tích. Những người mất tích được cho là đã thiệt mạng. Không có danh sách chính thức số hành khách trên phà, nhưng nhà chức trách cho biết có 42 người trên phà vào thời điểm phà này bị chìm.
Theo truyền thông địa phương, thuyền trưởng phà sống sót trong vụ chìm này bị tình nghi vận chuyển hành khách mà không có giấy phép cần thiết, trong khi chủ phà được cho là thuê thủy thủ đoàn mà không có giấy chứng nhận hành nghề hợp pháp.
Tai nạn hàng hải thường xảy ra ở Indonesia, một đảo quốc với khoảng 17.000 hòn đảo và người dân phần lớn dựa vào phà và tàu thuyền để đi lại. Trong tháng 5 này, một chiếc phà chở hơn 800 người đã mắc cạn ở vùng nước nông ngoài khơi tỉnh Đông Nusa Tenggara trong suốt 2 ngày. Những nỗ lực giải cứu phà này đã thành công nhờ sự hỗ trợ của Công ty hàng hải nhà nước Indonesia PT Pelni. Để giải cứu phà, lực lượng cứu hộ đã dựa vào một tàu kéo do PT Peni điều tới kết hợp với thủy triểu lên.
Năm 2018, hơn 150 người đã thiệt mạng khi một chiếc phà bị đắm tại một trong những hồ nước sâu nhất thế giới trên đảo Sumatra của Indonesia.