Indonesia hỗ trợ y tế từ xa đối với các ca nhiễm biến thể Omicron

Ngày 10/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo nước này sẽ chủ yếu cung cấp dịch vụ y tế từ xa trong điều trị các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một tuyên bố, Bộ trưởng Sadikin cho biết: “Số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ cao hơn nhiều so với số ca nhiễm biến thể Delta, song sẽ có ít bệnh nhân nhập viện hơn. Vì vậy, chiến lược của Bộ Y tế Indonesia hiện tập trung vào chăm sóc tại nhà”. Ông cho biết thêm rằng phần lớn ca nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng nên chỉ cần tự cách ly tại nhà, bổ sung vitamin và điều trị bằng các loại thuốc được chính phủ cấp phép. 

Hiện Bộ Y tế Indonesia đang hợp tác với 17 nền tảng ứng dụng y tế để cung cấp dịch vụ tư vấn và phân phối thuốc miễn phí cho các bệnh nhân.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, tính đến ngày 10/1, Indonesia ghi nhận tổng cộng 414 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 99% có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Chỉ 2 trong số các ca nhiễm Omicron ở nước này cần trợ thở do mắc bệnh nền, song hiện cũng đã bình phục.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Indonesia, nhà dịch tễ học Pandu Riono thuộc Đại học Indonesia dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể xảy ra do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, song sẽ không nghiêm trọng bằng làn sóng dịch thứ 2 do biến thể Delta gây ra. Ông Riono giải thích nguyên nhân do nhiều người đã tiêm phòng COVID-19 và có khả năng miễn dịch, trong khi dữ liệu cho thấy phần lớn ca nhiễm biến thể Omicron không biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông khuyến cáo người dân không được bất cẩn và luôn tuân thủ các quy định y tế, do biến thể này vẫn đặt ra nguy cơ đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền và những người chưa tiêm vaccine. Chuyên gia này cũng khuyến nghị chính phủ tập trung giám sát công suất sử dụng giường bệnh thay vì số ca dương tính với virus SARS-CoV-2, do phần lớn người nhiễm biến thể Omicron có các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng và ít phải nhập viện.

* Tại Lào, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại khu vực cũng như trên toàn cầu, Bộ Y tế nước này đã nâng mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 từ 70% lên 87,25% dân số trong năm 2022. 

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Bộ Y tế Lào khẳng định tiêm vaccine vẫn là biện pháp cần thiết và quan trọng để khống chế dịch COVID-19, tạo điều kiện mở cửa trở lại nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi các lĩnh vực, trong đó có du lịch. 

Tính đến nay, Lào đã tiếp nhận hơn 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại để phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 11/1 cho biết nước này ghi nhận 999 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua sau một ngày giảm xuống còn 641 ca. Trong số các ca mắc mới chỉ có 3 ca nhập cảnh còn lại là ngoài cộng đồng. Tính từ khi dịch bùng phát, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 120.520 ca, trong đó có 457 ca tử vong.

Hữu Chiến - Phạm Kiên (TTXVN)
Hệ thống y tế của Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn do bệnh nhân COVID-19 tăng cao
Hệ thống y tế của Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn do bệnh nhân COVID-19 tăng cao

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ hiện nay, chủ yếu do biến thể Omicron, đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN